Anh ta mặc một bộ cổ phục, trên tay ôm một cành mai, nếu chẳng phải là vì bộ cổ phục ấy hơi hoa mỹ quá, thì thực sự trông giống hệt như một vị cổ nhân vừa xuyên không đến đứng trước mặt tôi.
Mấy
hôm trước, tôi đột nhiên nhận được điện thoại của anh ta, hỏi tôi có còn nhớ ra
anh ta vốn từng là học trò của tôi không. Tất nhiên là tôi còn nhớ, hồi ấy anh
ta là một thiếu niên có năng khiếu hội họa thiên bẩm, những bài tập về mỹ thuật
thường luôn được tôi khen ngợi. Tuy rằng sau khi anh ta tốt nghiệp, thầy trò
cũng không hay qua lại với nhau, nhưng tôi cũng biết sau khi anh ta ra trường vẫn
liên tục hoạt động trong lĩnh vực hội họa.
Giữa
một ngày tuyết rơi, chợt có mùi hương hoa mai thanh nhẹ thoảng đưa tới khiến
tôi thực sự cảm động, hân hoan đón anh ta vào nhà.
Vừa
ngồi yên vị, anh ta đã lấy từ trong phong bì ra một tờ báo gấp phẳng phiu, chỉ
vào một bài viết đăng trên báo cho tôi xem. Hóa ra đó là một bài viết của tôi gửi
đăng trên tờ báo buổi chiều ít hôm trước.
“Thưa
thầy, em vừa mới được biết thầy còn viết báo nữa. Bài viết “Mai nở vì ai” này của
thầy, lấy hoa mà ví người, thật trúng thói tệ hiện nay, rất nhiều câu trong bài
viết đã nói đúng tiếng lòng của em. Em vẫn còn nhớ, trong các giờ học vẽ, khi dạy
chúng em vẽ hoa mai, thầy còn kể cho chúng em nghe những câu chuyện về cổ nhân
đã yêu mến hoa mai thế nào, tỉ như chuyện coi mai là vợ hạc là con của Lâm Hòa
Tĩnh đời Tống, hay chuyện hoa mai bên ao rửa bút của Vương Miện đời Nguyên. Thầy
còn giới thiệu cho chúng em những bậc cao thủ về vẽ mai trên họa đàn xưa nay …”
Trong khi anh ta bước vào miền ký ức của mình, thì trước mắt tôi cũng hiện ra lần
lượt từng khuôn mặt non tơ trong phòng học khi ấy.
“Thầy
còn nhớ Đại Hùng – tay tinh nghịch nhất trong lớp em hồi ấy chứ? Bận ấy, học vẽ
hoa mai, thầy nói là có thể đề mấy câu thơ lên bức tranh của mình, Đại Hùng đã
đề lên bức tranh của cậu ta câu thơ: “Mai Hoa, Mai Hoa tớ yêu cậu; Giống như
chuột nhắt yêu hũ gạo”, kết quả khiến cho cô bạn Lâm Mai Hoa cùng bàn với cậu
ta phải ức đến phát khóc lên.”
“Em
vẫn còn nhớ những buổi học mỹ thuật hồi xưa rành mạch như thế đúng là hiếm có đấy.
Mấy bạn cùng học ấy em vẫn giữ liên lạc thường xuyên chứ?” – Tôi hỏi.
“Phần
lớn là không liên lạc gì ạ. Lớn lên rồi, mỗi người có một cuộc sống riêng ở một
nơi, em cũng bận quá, tất cả sức lực bây giờ chủ yếu là tập trung vào việc vẽ
tranh thôi, bình thường cũng chỉ qua lại với những người trong phạm vi hoạt động
của mình được thôi ạ.”
“Ồ,
thế hôm nay làm sao em lại rảnh rang mà tới đây?”
“Thầy
cứ nói thế ạ! Mấy hôm trước em đọc được bài viết này của thầy, thực sự hối hận
vì đã không sớm đến thăm thầy. Em cũng giống thầy ở một điểm là cũng yêu hoa
mai đấy. Tinh thần của hoa mai khiến người ta phải say đắm vô cùng!” Tiếp đó,
anh ta lấy từ trong ống quyển mang theo bên người ra một cuộn tranh hoa mai, chậm
rãi trải ra.
(Hoa mai - tranh của Vương Thành Hỉ - TQ) |
Ái
chà, mực đượm, màu tươi, ý tình tiêu sái, thật khiến người xem mê mẩn!
“Trước
đây em vẽ rất nhiều đề tài, nhưng đến tuổi trung niên cũng chưa thành danh được
ở mảng nào, hai năm lại đây em đổi hướng, chuyên chú vẽ tập trung vào một đề
tài hoa mai thôi. Thưa thầy, thầy cho em xin ý kiến ạ.”
“Ồ,
em rất có ý tưởng, cũng rất mạnh dạn, mượn dùng được cả một số khái niệm của hội
họa hiện đại.”
“Thầy
đúng là bậc chuyên gia ạ. Suy nghĩ của em là, bất kỳ bức tranh nào đều phải
thoát khỏi khuôn khổ của cổ nhân, hoa mai làm sao cứ nhất định phải vẽ ra vẻ cô
lãnh thanh cao? Thời đại đã thay đổi rồi, mắt thẩm mỹ của người ta cũng đã thay
đổi, hoa mai của em, em phải để nó bung nở, rực rỡ, náo nhiệt. Về mặt hình thức
biểu hiện, em cũng hết sức ‘dùng mọi biện pháp’ …”
Anh
ta thao thao bất tuyệt, khiến tôi dẫu muốn nói ra một số ý kiến của mình, nhưng
đều bị chặn đứng lại hết.
Anh
ta ngưng lại rồi, tôi không biết nói gì kiếm cớ để nói, chỉ vào câu đề tự trên tranh
hỏi: “Mấy câu này là em tự nghĩ lấy rồi viết à?”
“À,
cái này thì không phải, thường ngày em xem được những câu đề từ hay ho trên
tranh của người ta thì chép lại, cũng có lúc thì em trích lấy mấy câu trong thơ
từ đời Đường đời Tống, rồi tùy nghi mà dùng thôi.”
“Cái
ấn này khắc mấy chữ “Mai Đạo Nhân” là chỉ…?” – Tôi hơi lấy làm nghi hoặc, vì nhớ
rằng đó là tên hiệu của Ngô Trấn – nhà danh họa đời Nguyên.
“Đây
là tên hiệu em tự lấy cho mình, để khích lệ bản thân làm người phải giống như
hoa mai vậy, hiên ngang chịu gió sương mà vẫn ngạo nghễ nở hoa.”
“Như
thế tất nhiên là tốt, nhưng bây giờ có tí thời gian nào mà đọc sách không?”
“Không
giấu gì thầy, em thực sự rất bận, mùa xuân năm nay em có cái triển lãm một trăm
bức tranh hoa mai, sắp tổ chức ở thành phố ta, sau khi kết thúc lại phải mang
sang triển lãm ở Hongkong. Không biết thầy có biết không, bạn Lâm Mai Hoa mà em
nhắc đến khi nãy, về sau lấy một thương gia giàu có ở Hongkong. Triển lãm của
em ở Hongkong lần này chính là nhờ bạn ấy giúp giới thiệu kết nối đấy ạ.”
Tôi
đột nhiên ngộ ra một chút gì đó, hỏi: “Hôm nay em đến thăm thầy, còn có việc gì
khác nữa không?”
Anh
ta nghe tôi hỏi thế thì chợt hơi có vẻ thẹn, nói: “Em đến thăm thầy là chính,
nhưng tất nhiên em cũng muốn nhờ thầy viết cho em một bài giới thiệu một chút
cho em trên tờ buổi chiều. Thầy biết đấy, hiện nay đều như vậy cả, muốn có một
chút tiếng tăm, bán được tranh, mà không có ai tung hô quảng bá thì khó lắm ạ!”
“Ôi,
tôi có phải chuyên môn viết phê bình nghệ thuật gì đâu, tôi không viết được.”
“Không,
không, không. Thầy nhất định phải giúp em, thầy cứ viết tùy nghi, tờ Buổi chiều
diện độc giả rộng, ảnh hưởng rất lớn đấy ạ.” Vừa nói anh ta vừa rút ra một tờ
giấy gấp vuông vắn nói – “Em đã vạch ra mấy cái gạch đầu dòng, để thầy tham khảo.”
Tôi
đọc lướt qua một lượt, có mấy điểm cả thảy, nhưng chủ yếu nhắm đến hai vấn đề:
một là, tác phẩm cao nhã tranh giống như người; hai là, nhân phẩm thanh đạm
không màng danh lợi.
Sau
khi anh ta đi rồi, tôi liền mắc vào một nỗi khổ tâm: viết thế nào đây? Nói mấy
câu giả dối trái với lòng mình ư? Bỗng nhiên điện thoại đổ chuông, một giọng
nói từ đầu bên kia truyền lại: “Thưa thầy, vừa rồi em có để một phong bì trong
ngăn kéo tủ trong buồng vệ sinh nhà thầy, bên trong đó có một chút bồi dưỡng gọi
là cảm tạ thầy đã vất vả viết giúp em bài báo ạ …”
(Châu Hải Đường dịch – Theo “Trung Quốc vi
hình tiểu thuyết tinh tuyển 2019”)
Giới thiệu tác giả:
Từ Huệ Phần, nhà văn đương đại Trung Quốc, hội
viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học
hội, là một nhà văn chuyên sáng tác trong lĩnh vực truyện ngắn mini và tản văn.
Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa ngữ văn Trung học và Đại
học, đồng thời bà cũng có nhiều truyện ngắn mini được lựa chọn vào các tập tinh
tuyển toàn quốc hàng năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét