Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

NƯỚC ANH VÀ GIA TỘC CỦA TÔI - Diêm Liên Khoa (TQ)

 1.

Đế quốc Anh, với gia tộc của tôi, chính là một cục đờm to vĩnh viễn không có cách nào để nhổ ra khỏi miệng được. 

Tận đến khi đã chín mươi hai tuổi mà ông nội tôi mỗi khi nhắc đến đất nước ở xa xôi mãi bên trời tây ấy, vẫn còn như ngửi thấy mùi hôi thối kinh khủng trước cửa nhà xí, đến nỗi phải quay đầu đi nhổ phì một bãi nước bọt xuống đất.

Trước khi quyết định sang Anh, tôi nhất quyết trước tiên phải về thị trấn nhỏ ven biển ấy, về nhà thăm ông nội đã ở cái tuổi xưa nay hiếm của tôi. Cha tôi công tác ở thành phố, mẹ tôi cả đời đều ở cái thị trấn cổ kính nơi quê nhà ấy vừa để giữ đất đai, cũng là để trông nom ông nội. Trong những năm tháng khi tôi còn nhỏ, ông nội đã y như một gốc hòe già cổ thụ, cong queo, sần sùi, xum xuê cành lá, ngày nào cũng chống cây ba-toong, dạo khắp những con đường của thị trấn, ngửi mùi tanh của biển từ phía bên kia núi, kể đi kể lại những câu chuyện với mọi người, tựa như ông chính là một tiêu bản và ký ức của thị trấn này, giống như một cuốn sách có tranh minh họa từ thời xưa để lại. Ông kể đủ mọi chuyện trên giời dưới đất, nhưng câu chuyện lảm nhảm mãi không bao giờ hết vẫn là về nước Anh Cát Lợi mà tất cả mọi người trong trấn đều cảm thấy xa lạ, và những người Anh mắt xanh mũi lõ mà tất cả những người trong thị trấn hiện còn sống đều chưa ai từng nhìn thấy .   

Khi ấy, ông nội lại xoa xoa đầu của cậu thiếu niên là tôi, chỉ lên con đường ngoằn ngoèo trên dốc núi, nói, con đường sắt xuyên qua đúng ngay dưới chân núi ấy, vươn tới tận bến cảng bên bờ biển. Chúng nó chất những quặng đồng, quặng vàng của thị trấn, lên những đoàn tàu lửa nhả đầy khói trắng, vận chuyển thẳng xuống những con tàu lớn đang đậu cập vào trên bến cảng, rồi đem những kho báu ấy của đất nước ta, kéo còi hơi tu tu, mang về cái đế quốc Đại Anh đáng chết ấy của chúng. Ông tôi bảo, những cái cột buồm biết phun mây nhả khói trên những con tàu lớn của Anh quốc ấy, cao vút tưởng chọc trời, khiến những con chim biển chưa từng trông thấy những cột buồm cao như thế, thường thường bay đâm bổ vào những cái cột buồn tây dương ấy đến vỡ đầu, tóe máu.

Nói về cái chết của những con chim ấy, kỳ thực chính là một kiểu khí tiết của người Trung Quốc.

Nhưng khi nói đến khí tiết, dường như ông tôi hơi cảm thấy hụt hơi. Ông tôi nhớ đến ông nội của chính ông – một người sống bằng nghề khai khoáng trong thị trấn. Vị thương nhân phương bắc ấy chỉ vì hút thuốc phiện mà đã phải đem mỏ đồng chỉ cách thị trấn có vài dặm đường của mình bán cho một thương nhân cùng tuổi người Anh. Đem đất đai nhà cửa của gia tộc vốn chiếm đến hơn nửa ở cả hai bên con phố chính của thị trấn, cũng hút dần hút mòn từng miếng một vào trong cơn đê mê của mình, đem chìa khóa của những nhà cửa tiệm buôn, cùng từng tờ từng tờ văn tự, đệ cả vào tay những người họ khác. Cuối cùng, cùng với cái bến cảng ngoài bờ biển bên kia núi càng ngày càng lớn hơn, lòng núi bên này cũng bị đào càng ngày càng rỗng không hơn, mà cửa tiệm và mỏ đồng của gia tộc nhà tôi, rốt cũng ngày càng ít đi, rơi vào tay kẻ khác. Cho đến tận khi một gia tộc lớn giàu có, vinh hoa phú quý, chỉ còn sót lại một ngôi nhà tàn tạ, ông nội của ông nội tôi sau khi bán nốt đi cỗ xe ngựa cuối cùng đã vận chuyển đất đá, quặng đồng cho mình suốt mấy chục năm, vào một tiệm thuốc phiện trên thị trấn, hút một chầu thuốc đã đời, đến khô kiệt cả linh hồn, đã quay về và treo cổ chết ở thanh xà ngang trên lầu cổng nhà mình. 



2.

Hiện giờ, tôi là một nhà văn.

Hai mươi mấy năm trước, khi tôi mới lên học khoa văn một trường Đại học ở Bắc Kinh, ông nội từng cầm tay tôi, đi trên con phố trước nhà mình ở thị trấn, chỉ vào một ngôi nhà lầu từng là hàng nhuộm, bảo, nếu không phải vì ông nội của ông hút thuốc phiện, thì ngôi nhà này chính là của nhà chúng ta. Ông tôi lại chỉ vào những ngôi nhà từng là niềm vinh dự của gia tộc nhà tôi ở hai bên dọc theo con phố mà chửi rủa: “Mẹ cha nó, bọn mũi lõ chẳng có gì là tốt đẹp cả!” Rồi ông ngoái đầu, di chân, nhổ phì một bãi nước miếng xuống đất. Lúc sau, dẫn tôi đến cây cầu cũ ở đầu con phố, ông tôi chỉ về phía dãy núi mờ mờ ở tít tận đằng xa, nói tiếp: Quặng ở đằng kia kìa! Đường sắt ngầm trong lòng núi, chính là ở dưới chỗ ngọn núi cao nhất ấy.

Tôi nhìn theo hướng tay ông nội chỉ, ngoài ruộng đồng, núi non, và khe suối ra, còn có một thứ nữa, đó là mùi biển nửa tanh nồng nửa ẩm thấp phảng phất bay trong không khí. Tôi không biết mình nên nói gì với ông, bèn hỏi một câu vu vơ: “Ông oán hận nước Anh à?”

Ông nội quay sang nhìn tôi, tựa hồ nhìn vào hy  vọng tương lai của mình, đưa tay lên xoa xoa đầu tôi, cười nhăn nhó, bảo, điều hối tiếc lớn nhất của gia tộc ta, không phải là ông nội của ông nội cháu hút thuốc phiện, không phải là người nước Anh đến đào quặng vàng, quặng đồng của thị trấn ta đem đi, mà là: trong gia tộc chúng ta không có ai có cơ hội để có thể xiên một lưỡi dao vào tim người Anh.

Ba ngày trước khi lên máy bay sang Anh quốc, tôi về thăm thị trấn nhỏ nơi quê nhà ấy. Bấy giờ, những thứ hải sản mang từ biển vào vốn đều là những sinh mệnh còn sống bơi nguây nguẩy, tươi rói trong những bể nước, những chậu lớn để dọc bên đường, nhưng mùi vị bốc lên đến lưng trời thì đều là những mùi cá ươn tôm thối đã chết từ lâu. Những ngôi nhà, những căn lầu trên mặt phố, hơn một trăm năm trước từng là của nhà tôi, trong vòng hơn hai chục năm nay đã nhanh chóng biến mất gần hết, tựa như gió cuốn mây bay. Thay kế vào đó là hết dãy này đến dãy khác những nhà tầng, cửa hiệu, từ trên xuống dưới đều được ốp bằng gạch men trắng và kính, cứ như cái thị trấn cổ và đất nước cổ kính này đều bị bao bọc trong gạch men và kính vậy.

May mắn là nhà tôi – căn nhà cũ xây bằng gạch men xanh đã bị năm tháng chất chồng đè nặng ấy – vẫn như một di tích tọa lạc dưới gốc mấy cây cổ thụ ở đầu cùng phía đông con phố. Ông nội chín mươi hai tuổi của tôi cũng  giống như một di tích, nằm trong căn buồng phía nam ở nhà trên. Chính trong gian nhà ấy, khi tôi nói với ông, tôi phải sang Anh, ông tôi dù phải nằm bẹp trên giường ba năm nay, nhưng đôi mắt đã nhòe mờ bỗng nhiên sáng rực lên, chằm chằm nhìn vào tôi tựa như đang nhìn một người mà ông không hề quen biết, tận đến khi ánh mặt trời xuyên qua cửa sổ rọi lên mặt tôi đến nóng bỏng, ông mới nhờ ánh sáng ấy, nhận ra được rõ người đang ngồi bên giường trước mặt, chính là thằng cháu đích tôn của mình  – cái thằng đi học ở Bắc Kinh và ở lại đó ngày qua ngày viết tiểu thuyết ấy.

“Cháu đi đâu?”         

“Đi Anh ạ!”

Có thêm câu hỏi và câu trả lời ấy, ông nội mới tin chắc vào lời tôi nói, trên gương mặt nhăn nheo với làn da màu sáp vàng, đầu tiên hơi có một chút vẻ hồng nhuận và thư giãn mềm mại,  rồi đến khi đã biết rõ tôi thực sự phải đi sang nước Anh, thì vẻ hơi hồng nhuận tươi mềm ấy liền biến mất, và dần dần thay vào đó là một màu cứng đanh sắt lạnh, dường như người đang ngồi ở đầu giường không phải ông mà chính là một pho tượng bằng sáp không hề có một chút màu sắc của tia máu hồng nào. Cứ như vậy một lúc sau – một lúc mà dài như thiên trường địa cửu – ông nội nắm lấy hai bên vai tôi lắc mạnh. Trong khi ông lắc vai tôi, tôi nghe thấy tiếng chuyển động của những đốt xương đã cứng ngắc khắp người ông, giống như một cỗ máy đã rất lâu không sử dụng, không còn dầu mỡ, đang hoạt động. Sau đó, ông tôi lấy từ trong cái rương đóng bằng những tấm ván gỗ tử đàn phía sau lưng ra một cái hộp gỗ nhỏ, độ chừng rộng hai tấc, cao hai tấc nhưng dài tới tám tấc, cũng làm bằng gỗ tử đàn đỏ tía. Ông dùng tay trái đỡ cái hộp, tay phải kéo tay tôi, rồi cầm tay tôi đặt lên trên mặt cái hộp gỗ dài ấy, khuôn mặt sáng bừng, đôi môi hơi run rẩy. Ông run run nói: “Cuối cùng nhà ta cũng có người đến được nước Anh của chúng rồi.  Di nguyện của tổ tông mấy đời nhà ta là, có cơ hội rồi, nhất định phải xỉa một nhát dao vào tim người Anh.”

Đôi tay của ông tôi run rẩy như ngọn đèn trước gió. Trong khi run rẩy, những sợi gân xanh già nua nhăn nheo trên tay ông giật giật như những sợi dây đàn đang rung. Trong lúc những sợi dây đàn ấy đang hòa tấu, tôi nghe thấy rất rõ ông nội tôi thay mặt cho tất cả tổ tiên trăm năm trước của mình nói với  tôi: Cuối cùng nhà ta cũng có người đến được nước Anh của chúng rồi. Cháu nhất định phải xỉa một nhát dao vào đúng tim người Anh bọn chúng.”        

3.

Chuyến thăm của tôi đến nước Anh, trước sau tổng cộng mười ngày.

Trừ một buổi diễn thuyết trong chương trình hoạt động văn hóa “Trung Quốc ngày nay” tổ chức ở South Bank, Luân Đôn ra, thì còn tổ chức thêm một buổi diễn thuyết và nói chuyện về văn học ở khoa Đông Phương của Đại học Cambridge nữa, còn lại chỉ là du lịch tham quan với danh nghĩa là giao lưu văn hóa mà thôi. Ăn thì toàn đồ tây chính cống, ở thì khách sạn được xếp hạng sao, những người cùng đi với tôi, ngoài phiên dịch ra, còn có dịch giả tiểu thuyết đáng kính của tôi, biên tập viên và người phát hành của nhà xuất bản, cùng với một đôi vợ chồng tài hoa xuất chúng người Anh và con của họ. Vợ chồng họ là nhà thơ và nhà văn, sống trong một biệt thự ở làng quê ngay bên cạnh di tích Stonehenge của nước Anh. Trên khu vực được che phủ bởi những khối đá lớn ấy của công trình Stonehenge, họ đã khiến tôi cảm nhận được một bầu trời và thảo nguyên khác hẳn, một tình thú và văn hóa khác hẳn với Trung Quốc. Sau đó tôi lại theo họ đến tham quan phố người Hoa, viện Bảo tàng, Bảo tàng mỹ thuật, nhà thờ lớn, thăm mộ Karl Marx và nhà cũ của Engels – bạn thân ông, làm những việc mà bất cứ người Trung Quốc nào lần đầu tiên đến nước Anh cũng sẽ làm: chụp ảnh và lưu niệm, cảm thán và xuýt xoa. Chỉ duy nhất có một điều không giống, đó là sâu trong tâm trí mình, trước sau tôi vẫn nhớ kỹ câu nói ấy của  ông nội: Trong gia tộc chúng ta, cuối cùng cũng đã có người có thể đến được nước Anh của chúng rồi!    

Câu nói ấy khiến tôi vào đêm cuối cùng trước khi rời Luân Đôn, đã nhân lúc đêm khuya người vắng, một mình rời khỏi khách sạn Holiday ở trung tâm thành phố, đi bộ trên con phố lớn của Luân Đôn, ngắm nhìn những kiến trúc cổ kính đều có tuổi đời từ mấy trăm đến cả ngàn năm, đặt bàn chân lên con đường lát đá phiến đã in hằn rất sâu những dấu bánh xe, nhắm hướng  sông Thames tiến bước. Trên phố lớn Luân Đôn không có mùi cá ươn tôm chết của quê tôi, cũng không có mùi tanh đất bùn của ruộng đồng và cây cối đặc hữu của miền bắc Trung Quốc. Trong mùi biển ướt nhuận giữa bầu không, và hơi nước của sông Thames bay la đà trên mặt đường phố, đan xen với mùi gạch mục từ những tòa kiến trúc cổ kính và mùi tháng năm của những khối đá đã được chạm trổ ở khắp mọi nơi. Trên đường phố, thi  thoảng vẫn thấy  những chiếc xe taxi còn chạy, cùng những anh chàng, những cô nàng mũi cao chẳng biết đã đi tiệc tùng vui vẻ ở đây trở về, khi họ đến trước mặt tôi đều nhẹ bước chân lại, để ý nhìn tôi, dường như có chút thiếu tin tưởng bởi vẻ khác lạ nước ngoài của tôi.

Tôi đã đến được một cây cầu trên sông Thames như thế, nhìn ngắm vòng quay lớn mà người ta vẫn gọi là “Con mắt Luân Đôn”, ngồi đó rất lâu,  suy nghĩ rất lâu, tận đến khi có một cô gái A Rập bán hoa tươi từ đâu đi tới, cầm một bó hoa hồng còn lại chưa bán hết đến trước mặt và hỏi thử tôi có mua không, thì tôi mới đứng dậy từ chỗ ngồi bên lan can đá ở đầu cầu.

Hai chúng tôi dùng tay ra hiệu với nhau, dưới ánh đèn tôi đã mua toàn bộ số hoa hồng của cô ấy, rồi đi lên phía giữa cầu. Chính trên giữa cây cầu cổ kính ấy, tôi dỡ bó hoa, cầm từng bông từng bông hoa một thả xuống mặt nước sông Thames. Khi cúi đầu nhìn xuống từ lan can cầu, tôi trông thấy từng bông từng bông hoa đang rơi xuống, mùi hương hoa nồng nàn sực nức còn lưu mãi bên cánh mũi tôi. Và từng bó từng bó hoa trôi trên mặt nước sông Thames, thấp thoáng ẩn hiện, như những chiếc thuyền mui vẫn luôn có thể nhận ra khi bập bềnh trôi trên những con sông của Trung Quốc trong những ngày mưa.

4.

Khi tôi từ Anh quốc trở về thì ông nội tôi đã qua đời.         

Chín mươi hai tuổi,  không bệnh mà mất. Đến khi tôi lại từ Bắc Kinh trở về được đến quê, thì ông nội đã được mọi người trong thị trấn an táng trên dãy núi cao nhất, án ngữ phía tây, mà ông đã chỉ cho tôi xem.  Dãy núi ấy kéo dài, nhấp nhô, ngoằn ngoèo uốn lượn, một bên là biển lớn mênh mông vô tận, một bên là thị trấn nhỏ cổ kính mà nhà tôi từng rất giàu có ở đấy. Và, ở trong  lòng dãy núi ấy, là con đường hầm và mỏ đồng đã bị người Anh moi sạch.

Phần mộ ông nội, chính ở trên quang cảnh của tháng năm và thế núi ấy. Vô cùng bình thường, một nấm đất vàng, đến ngay cả những mầm cỏ mới còn chưa kịp mọc.

Tôi ngồi trước mộ ông, trên tay cầm cái hộp gỗ tổ truyền mà khi tôi sang Anh quốc ông đã đích thân giao vào tận tay cho tôi. Trong cái hộp đó là một lưỡi dao găm để trong vỏ dao làm bằng da bò. Ông nội bảo, sau khi ông nội của ông qua đời, thì cha của ông đã cầm cây dao ấy lên thị trấn, đi đến hầm mỏ và bến cảng, nhất tâm muốn dùng nó để đâm chết một, hai người Anh. Nhưng kết quả là, không phải ông không gặp được người Anh nào, mà là vì vô vàn nguyên nhân khác khiến ông gặp được họ nhưng không thể ra tay.  

Sau đó nữa, thì lưỡi dao cùng di nguyện này đã được cha của ông đặt vào tay ông.             

Lại qua mấy chục năm, ông nội liền đem lưỡi dao ấy giao phó cho tôi. Ông nội bảo: “Cầm lấy nó. Nhà ta cuối cùng cũng có người có thể đến được đất nước của chúng rồi.” Nhưng khi tôi giấu ông nội đem lưỡi dao ấy cất vào góc tường trong ngôi nhà cũ của mình, tôi nói với ông: “Ông cứ an lòng, cháu đem lưỡi dao này sang nước Anh. Cháu sẽ không để lưỡi dao này phải đi suông một chuyến sang Anh đâu!” 

Vì câu nói ấy mà ông nội bóp chặt lấy tay tôi, rồi vào chính cái đêm mà tôi lên đường ông đã không bệnh mà mất.

Ông đã chết một cách thanh thản và thỏa mãn.

Khi tôi ngồi dưới chân nấm mộ của ông, nhìn xuống thị trấn già nua từng có vô số gia sản của gia đình mình, ngửi mùi biển khơi bay lại từ cách đó mấy chục dặm, trên tay cầm cái hộp đựng dao bằng gỗ tử đàn, tôi nghĩ mình nên viết một cuốn tiểu thuyết về lịch sử ân oán giữa gia tộc của tôi với nước Anh. Tên  của cuốn tiểu thuyết ấy là “Nước Anh và gia tộc của tôi.”

(Châu Hải Đường dịch)   

 

 

 Giới thiệu tác giả:

Diêm Liên Khoa sinh năm 1958, tại Lạc Dương, Hà Nam, nhà văn đương đại Trung Quốc, giáo sư viện Văn học, Đại học Nhân dân Trung Quốc, giáo sư Văn hóa Trung Quốc, Đại học Khoa kỹ  Hongkong.

Tốt nghiệp Đại  học Hà Nam  năm 1985, tốt nghiệp khoa Văn học, Học  viện Nghệ thuật Giải Phóng Quân năm 1991. Năm 1997, ông  cho ra đời truyện vừa “Ngày, Tháng, Năm”, năm 1998 là tiểu thuyết “Nhật quang lưu niên”, tiếp đó là “Kiên ngạnh như thủy” (2001),  “Thụ hoạt” (2003), cùng năm ông giành giải thưởng Văn  học Lão Xá lần 3. Năm 2006 ông cho ra  đời tiểu thuyết “Đinh trang mộng”, 2008 là “Phong nhã tụng”, năm 2011 tiểu thuyết “Tứ thư” của ông được xuất bản tại Hongkong. Ông cũng giành được  nhiều giải thưởng văn học khác như: Giải thưởng Văn học Kafka năm 2014, Giải thưởng Văn học Hoa ngữ Newman lần thứ 7 năm 2020,  Giải thưởng Danh dự Trọn đời giành cho tác gia quốc tế của Hiệp hội Văn học Hoàng gia Anh năm 2021. Mấy năm gần đây, Diêm Liên Khoa liên tục có tên  trong danh sách đề cử trao giải Nobel Văn học hằng năm. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều tiểu thuyết của ông được dịch, giới thiệu và được độc giả đón nhận nồng nhiệt như: “Kiên ngạnh như thủy”,  “Tứ thư”, “Đinh  trang mộng”, “Ngày tháng năm”, “Phong nhã tụng”, …     

MAI NỞ VÌ AI - Từ Huệ Phần (TQ)

 Anh ta mặc một bộ cổ phục, trên tay ôm một cành mai, nếu chẳng phải là vì bộ cổ phục ấy hơi hoa mỹ quá, thì thực sự trông giống hệt như một vị cổ nhân vừa xuyên không đến đứng trước mặt tôi.

Mấy hôm trước, tôi đột nhiên nhận được điện thoại của anh ta, hỏi tôi có còn nhớ ra anh ta vốn từng là học trò của tôi không. Tất nhiên là tôi còn nhớ, hồi ấy anh ta là một thiếu niên có năng khiếu hội họa thiên bẩm, những bài tập về mỹ thuật thường luôn được tôi khen ngợi. Tuy rằng sau khi anh ta tốt nghiệp, thầy trò cũng không hay qua lại với nhau, nhưng tôi cũng biết sau khi anh ta ra trường vẫn liên tục hoạt động trong lĩnh vực hội họa.

Giữa một ngày tuyết rơi, chợt có mùi hương hoa mai thanh nhẹ thoảng đưa tới khiến tôi thực sự cảm động, hân hoan đón anh ta vào nhà.

Vừa ngồi yên vị, anh ta đã lấy từ trong phong bì ra một tờ báo gấp phẳng phiu, chỉ vào một bài viết đăng trên báo cho tôi xem. Hóa ra đó là một bài viết của tôi gửi đăng trên tờ báo buổi chiều ít hôm trước.

“Thưa thầy, em vừa mới được biết thầy còn viết báo nữa. Bài viết “Mai nở vì ai” này của thầy, lấy hoa mà ví người, thật trúng thói tệ hiện nay, rất nhiều câu trong bài viết đã nói đúng tiếng lòng của em. Em vẫn còn nhớ, trong các giờ học vẽ, khi dạy chúng em vẽ hoa mai, thầy còn kể cho chúng em nghe những câu chuyện về cổ nhân đã yêu mến hoa mai thế nào, tỉ như chuyện coi mai là vợ hạc là con của Lâm Hòa Tĩnh đời Tống, hay chuyện hoa mai bên ao rửa bút của Vương Miện đời Nguyên. Thầy còn giới thiệu cho chúng em những bậc cao thủ về vẽ mai trên họa đàn xưa nay …” Trong khi anh ta bước vào miền ký ức của mình, thì trước mắt tôi cũng hiện ra lần lượt từng khuôn mặt non tơ trong phòng học khi ấy.

“Thầy còn nhớ Đại Hùng – tay tinh nghịch nhất trong lớp em hồi ấy chứ? Bận ấy, học vẽ hoa mai, thầy nói là có thể đề mấy câu thơ lên bức tranh của mình, Đại Hùng đã đề lên bức tranh của cậu ta câu thơ: “Mai Hoa, Mai Hoa tớ yêu cậu; Giống như chuột nhắt yêu hũ gạo”, kết quả khiến cho cô bạn Lâm Mai Hoa cùng bàn với cậu ta phải ức đến phát khóc lên.”

“Em vẫn còn nhớ những buổi học mỹ thuật hồi xưa rành mạch như thế đúng là hiếm có đấy. Mấy bạn cùng học ấy em vẫn giữ liên lạc thường xuyên chứ?” – Tôi hỏi.

“Phần lớn là không liên lạc gì ạ. Lớn lên rồi, mỗi người có một cuộc sống riêng ở một nơi, em cũng bận quá, tất cả sức lực bây giờ chủ yếu là tập trung vào việc vẽ tranh thôi, bình thường cũng chỉ qua lại với những người trong phạm vi hoạt động của mình được thôi ạ.”   

“Ồ, thế hôm nay làm sao em lại rảnh rang mà tới đây?”

“Thầy cứ nói thế ạ! Mấy hôm trước em đọc được bài viết này của thầy, thực sự hối hận vì đã không sớm đến thăm thầy. Em cũng giống thầy ở một điểm là cũng yêu hoa mai đấy. Tinh thần của hoa mai khiến người ta phải say đắm vô cùng!” Tiếp đó, anh ta lấy từ trong ống quyển mang theo bên người ra một cuộn tranh hoa mai, chậm rãi trải ra.

(Hoa mai - tranh của Vương Thành Hỉ - TQ)


Ái chà, mực đượm, màu tươi, ý tình tiêu sái, thật khiến người xem mê mẩn!

“Trước đây em vẽ rất nhiều đề tài, nhưng đến tuổi trung niên cũng chưa thành danh được ở mảng nào, hai năm lại đây em đổi hướng, chuyên chú vẽ tập trung vào một đề tài hoa mai thôi. Thưa thầy, thầy cho em xin ý kiến ạ.”

“Ồ, em rất có ý tưởng, cũng rất mạnh dạn, mượn dùng được cả một số khái niệm của hội họa hiện đại.”

“Thầy đúng là bậc chuyên gia ạ. Suy nghĩ của em là, bất kỳ bức tranh nào đều phải thoát khỏi khuôn khổ của cổ nhân, hoa mai làm sao cứ nhất định phải vẽ ra vẻ cô lãnh thanh cao? Thời đại đã thay đổi rồi, mắt thẩm mỹ của người ta cũng đã thay đổi, hoa mai của em, em phải để nó bung nở, rực rỡ, náo nhiệt. Về mặt hình thức biểu hiện, em cũng hết sức ‘dùng mọi biện pháp’ …”

Anh ta thao thao bất tuyệt, khiến tôi dẫu muốn nói ra một số ý kiến của mình, nhưng đều bị chặn đứng lại hết.

Anh ta ngưng lại rồi, tôi không biết nói gì kiếm cớ để nói, chỉ vào câu đề tự trên tranh hỏi: “Mấy câu này là em tự nghĩ lấy rồi viết à?”

“À, cái này thì không phải, thường ngày em xem được những câu đề từ hay ho trên tranh của người ta thì chép lại, cũng có lúc thì em trích lấy mấy câu trong thơ từ đời Đường đời Tống, rồi tùy nghi mà dùng thôi.”

“Cái ấn này khắc mấy chữ “Mai Đạo Nhân” là chỉ…?” – Tôi hơi lấy làm nghi hoặc, vì nhớ rằng đó là tên hiệu của Ngô Trấn – nhà danh họa đời Nguyên.

“Đây là tên hiệu em tự lấy cho mình, để khích lệ bản thân làm người phải giống như hoa mai vậy, hiên ngang chịu gió sương mà vẫn ngạo nghễ nở hoa.”

“Như thế tất nhiên là tốt, nhưng bây giờ có tí thời gian nào mà đọc sách không?”

“Không giấu gì thầy, em thực sự rất bận, mùa xuân năm nay em có cái triển lãm một trăm bức tranh hoa mai, sắp tổ chức ở thành phố ta, sau khi kết thúc lại phải mang sang triển lãm ở Hongkong. Không biết thầy có biết không, bạn Lâm Mai Hoa mà em nhắc đến khi nãy, về sau lấy một thương gia giàu có ở Hongkong. Triển lãm của em ở Hongkong lần này chính là nhờ bạn ấy giúp giới thiệu kết nối đấy ạ.”

Tôi đột nhiên ngộ ra một chút gì đó, hỏi: “Hôm nay em đến thăm thầy, còn có việc gì khác nữa không?”

Anh ta nghe tôi hỏi thế thì chợt hơi có vẻ thẹn, nói: “Em đến thăm thầy là chính, nhưng tất nhiên em cũng muốn nhờ thầy viết cho em một bài giới thiệu một chút cho em trên tờ buổi chiều. Thầy biết đấy, hiện nay đều như vậy cả, muốn có một chút tiếng tăm, bán được tranh, mà không có ai tung hô quảng bá thì khó lắm ạ!”

“Ôi, tôi có phải chuyên môn viết phê bình nghệ thuật gì đâu, tôi không viết được.”

“Không, không, không. Thầy nhất định phải giúp em, thầy cứ viết tùy nghi, tờ Buổi chiều diện độc giả rộng, ảnh hưởng rất lớn đấy ạ.” Vừa nói anh ta vừa rút ra một tờ giấy gấp vuông vắn nói – “Em đã vạch ra mấy cái gạch đầu dòng, để thầy tham khảo.”

Tôi đọc lướt qua một lượt, có mấy điểm cả thảy, nhưng chủ yếu nhắm đến hai vấn đề: một là, tác phẩm cao nhã tranh giống như người; hai là, nhân phẩm thanh đạm không màng danh lợi.

Sau khi anh ta đi rồi, tôi liền mắc vào một nỗi khổ tâm: viết thế nào đây? Nói mấy câu giả dối trái với lòng mình ư? Bỗng nhiên điện thoại đổ chuông, một giọng nói từ đầu bên kia truyền lại: “Thưa thầy, vừa rồi em có để một phong bì trong ngăn kéo tủ trong buồng vệ sinh nhà thầy, bên trong đó có một chút bồi dưỡng gọi là cảm tạ thầy đã vất vả viết giúp em bài báo ạ …”

(Châu Hải Đường dịch – Theo “Trung Quốc vi hình tiểu thuyết tinh tuyển 2019”)              

 

Giới thiệu tác giả:

Từ Huệ Phần, nhà văn đương đại Trung Quốc, hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội, là một nhà văn chuyên sáng tác trong lĩnh vực truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa ngữ văn Trung học và Đại học, đồng thời bà cũng có nhiều truyện ngắn mini được lựa chọn vào các tập tinh tuyển toàn quốc hàng năm.