Còn
nhớ một giai thoại về truyện trạng Quỳnh, tôi đã đọc từ hồi còn bé, kể rằng: vì
muốn được ngắm dung nhan cô Điểm nên Quỳnh thường chầu chực ở ngoài cửa trường
nơi thầy Đoàn Doãn Nghi – thân phụ cô Điểm dạy học. Một bận, thầy Đoàn Doãn
Nghi bắt gặp Quỳnh “rình mò” ngoài cửa, bèn gọi vào ra câu đối rằng: “THẰNG QUỶ
ÔM CÁI ĐẤU ĐỨNG CỬA KHÔI NGUYÊN.” Quỳnh bèn đối lại rằng: “CON MỘC TỰA GỐC BÀNG
NHÒM NHÀ BẢNG NHỠN.” Ông Nghi thấy Quỳnh đối đáp giỏi, rất phục, bèn tha không
bắt tội. Sách cũng cẩn thận chú rằng: câu ra đối của ông Đoàn Doãn Nghi khó ở
chỗ chữ Quỷ (鬼) và chữ Đấu (斗) hợp lại thành chữ Khôi (魁); nhưng trạng Quỳnh đã đối lại được: bởi, chữ Mộc (木) và chữ Bàng (旁) hợp lại thành chữ Bảng (榜). Song, nếu xét kỹ, tuy về mặt chiết tự thì trạng Quỳnh đã lựa được chữ Bảng
trong chữ Bảng Nhỡn, mà đối với chữ Khôi trong Khôi Nguyên là hai thứ hạng
trong thi cử xưa, nhưng câu ra đối thì còn là câu có ý nghĩa, chứ câu đối lại
của trạng Quỳnh nếu chỉ là chiết tự chữ Bảng thành Mộc và Bàng thì có gì mà
hay?
Trong
các bạn, nếu ai thích chèo, chắc hẳn đã từng xem vở chèo cổ nổi tiếng “Xúy
Vân”, hoặc nếu không thì, nhất định cũng từng xem tích hề chèo “Phù thủy sợ ma”
trích từ vở chèo này. Trong trích đoạn hề chèo “Phù thủy sợ ma” ấy, có đoạn đối
đáp giữa Hỉ đồng – tiểu đồng nhà Kim Nham với thầy phù thủy như sau:
“Hỉ
đồng: Gặp được thầy lòng mừng khôn xiết, nay trong nhà vẫn chửa được yên, mời
thầy về lập đàn chữa mộc ạ!
Thầy
phù thủy: Chữa mộc hay là chữa tay co? Cứ mua mây về rồi thầy nức lại cho, đan
cái mộc mới để làm gì cái mộc cũ ấy?
Hỉ
đồng: Không! Mộc là con ma mộc kia ạ!
Thầy
phù thủy: Mày cứ lòe tao! Tao lạ gì! Mộc mà có cái chữ “Lực” viết đằng sau, các
quan mang đi đánh giặc đấy chứ gì?
Hỉ
đồng: Không! Không! Con ma mộc mà nó cắn được cả người, nuốt được cả người cơ!”
Đoạn
trò này là sau khi Xúy Vân giả điên giả dại để nhằm khiến Kim Nham phải viết
giấy “Hưu thê” cho mình, mà đi theo Trần Phương, vì thế người nhà cho là bị ma
làm nên đã đi kiếm thầy phù thủy về cúng trừ ma.
Qua
mấy câu đối đáp này, thì dường như có một thứ ma quỷ được gọi là “Mộc” hay “ma
Mộc”. Đồng thời lại có một đồ vật gọi là “cái mộc”, và hẳn là chúng đều khá
thông dụng nên mới được dùng vào màn hề chèo vốn là trò gây cười trong sân khấu
chèo, bởi chẳng ai lại đi kể truyện cười bằng những yếu tố khó hiểu để người
nghe phải về đến nhà rồi mới hiểu mà cười bao giờ. Theo như mô tả của thầy phù
thủy trong trích đoạn hề chèo trên, thì cái mộc được đan bằng mây, và dùng
trong chiến trận (các quan đem đánh giặc).
Vâng.
Chính thế, xin thưa, có một loại ma quỷ được gọi là Mộc, ma Mộc là một thứ ma
quái trong cây gỗ; Và có một đồ vật được gọi là cái mộc – tức là một loại lá
chắn, dùng để che chắn thân mình, tránh tên bắn, hay gươm giáo đâm chém, tương
tự như cái khiên. Mộc có thể làm bằng gỗ, có hoặc không bọc da, cũng có thể đan
bằng tre nứa, song mây …
Tuy
nhiên, trong các từ điển gần đây, tiêu biểu là “Từ điển tiếng Việt” Hoàng Phê,
mục từ Mộc hầu như chỉ có các trường nghĩa: 1. Cây mộc (hoa mộc, tức quế hoa);
2. Chỉ các thứ gỗ hay làm bằng gỗ; 3. Tính từ, mang ý nghĩa thô sơ, chưa gia
công, trang sức … và 4. “Vật cầm tay để che đỡ cho gươm giáo khỏi đâm trúng
người trong chiến trận xưa …”. Song không thấy nói đến nghĩa “ma mộc”.
Nhưng,
xem thêm trong các từ điển cũ hơn, thì chúng tôi đã thấy có manh mối về “con ma
mộc” này:
“Đại
Nam quấc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của, mục chữ “Mộc” có ghi nhận từ “Mộc đè”
như sau: “Bị ma cây đè trong khi ngủ. Đương lúc nằm mơ màng, thình lình bắt
cứng mình cứng mẩy, dường như bị vật gì đè. Người ta nói, ấy là tại cái cây
mình dùng làm cột, buổi còn đứng trên rừng, có con chim gì tha thịt thú vật để
trên ấy mà ăn, cho nên nó hóa ma.” Hóa ra đúng “mộc” là thứ “ma cây” thực. Và,
cái chúng ta bây giờ quen gọi là “bóng đè” thì xưa được gọi là “mộc đè”. (Xem
thêm trong “Từ điển Annam – Latinh” năm của J.L. Taberd, năm 1838, mục từ Mộc,
cũng có cụm “Mộc đè”, giải nghĩa là: pressio nocturna – cũng tức là bóng đè,
tuy nhiên không giảng kỹ như Huỳnh Tịnh Của).
Bây
giờ, trở lại với câu đối “CON MỘC TỰA GỐC BÀNG NHÒM NHÀ BẢNG NHỠN” của trạng
Quỳnh, có lẽ chúng ta đã thấy hết cái lý thú trong đó: ngoài “ngón” chơi chữ
chiết tự đã nói ở trên, thì việc đem “con (ma) Mộc” đối với “thằng Quỷ” - mà
hầu hết các sách chẳng giải thích - đích thực là “chọi nhau chan chát”.
Tiếc
rằng đến nay, “con Mộc” gần như đã vắng bóng trong hầu hết các từ điển, còn
“cái mộc” tuy có được ghi nhận, nhưng việc sử dụng trong nói, và viết cũng đều
vô cùng hãn hữu.
Nhân
đây, xin gửi các bạn hình vẽ khiên và mộc trong sách “Hiểu biết về Việt Nam”
của Pierre Huard và Maurice Durand, trong đó trên mặt trước tấm mộc quả nhiên
có chữ “Lực” (力) - ấn chứng cho điều mà thầy phù thủy nói trong tích trò “Phù thủy sợ ma” trên. Và hình vẽ “Cái Khiên mây” cũng như hình “Tập mộc” trong tập sách “Kỹ thuật của người An Nam”.
![]() |
(26,27 Mộc; 28,29 Khiên - Hình trong sách "Hiểu biết về Việt Nam) |
![]() |
(Tập Mộc) |
![]() |
(Cái Khiên Mây) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét