Khu nhà họ Chân tọa lạc ở mé bắc
đường lộ, qua cổng vào bên trong, là hai lớp nhà. Sân ngoài, sân trong đều theo
hướng bắc nam, dài hẹp, sân ngoài có hai gian nhà đông tây, sân trong ngoài hai
gian nhà đông tây còn có nhà chính. Cổng ngoài và cổng trong đều không có cửa
đóng, thảy chỉ xếp chồng bằng đá xanh. Trước nhà là bậc thềm đá xanh, mặt sân
cũng lát bằng đá xanh.
Ngày trước nhà họ Chân vốn là một
nhà phú nông, cho nên mới có khu nhà lớn như thế.
Trong nhà khắp mọi chỗ đều làm bằng
đá, hàng xóm láng giềng qua lại, lúc nào cũng cảm thấy lạnh lẽo.
Gian nhà bên đông ở sân ngoài có
Triệu Hỉ ở, còn nhà chính ở sân trong có Thủy Đào và con gái cô.
Tháng Chạp trước Tết, Triệu Hỉ mới
vừa đến ở đó.
Tối hôm Đông chí trước Tết, xưởng
pháo trong xã phát nổ, những công nhân làm ca đêm không một ai chạy thoát được
ra, chết tất cả hơn hai mươi người. Trong đó nhà họ Chân mất đến năm người: chú,
thím, anh trai, chị dâu, và cả chồng của Thủy Đào.
Nhà Triệu Hỉ ở phía sau xưởng
pháo, nhà cửa bị phá sập cả. Vợ Triệu Hỉ tối ấy cũng đi làm trong xưởng pháo, tất
nhiên cũng chẳng sống sót.
Nhà họ Chân mất đi năm người vốn
đều sinh sống ở đây chỉ trong một đêm, khu nhà họ Chân rộng lớn như thế chỉ còn
lại hai mẹ con Thủy Đào.
Tháng Chạp đông hàn, năm hết tết
đến tới nơi, mà Triệu Hỉ lại thành ra một thân một mình, không chốn nương thân.
Triệu Hỉ vốn chơi thân với người con trai của chú thím Thủy Đào giờ đang ở trên
thành phố, vì thế bèn vào ở trong gian nhà mé đông ở sân ngoài mà trước đây chú
thím Thủy Đào vẫn ở.
Triệu Hỉ không có con cái, kết
hôn với vợ đã bảy tám năm mà vợ vẫn chưa sinh nở gì.
Giao thừa, Tết, cho đến tận
Nguyên tiêu, trong sân nhà họ Chân không có câu đối đỏ, không có đèn lồng, tất
nhiên càng không có tiếng pháo nổ. Một cái tết đi qua buồn tẻ nhạt nhòa, im lìm
lặng lẽ.
Chẳng phải chỉ có một sân nhà họ
Chân, mà cả cái thôn Hồ Gia Kiều này vẫn còn chìm lặng mãi vào trong tiếng nổ
kinh tâm động phách tối hôm đó, chưa thể hoàn hồn nổi.
Qua tiết Thanh minh ruột gan đứt
đoạn, mưa lạnh đìu hiu ấy, một hôm, bỗng có một đôi én chợt đến ngậm bùn đắp tổ
ở dưới mái hiên phía trên cửa sổ của gian nhà mé đông.
Đôi én bay ra bay vào, bộ dạng bận
rộn hân hoan, khiến không khí nặng nề trong sân nhà họ Chân chợt trở nên có sức
sống hơn.
(Tranh của Ngô Quán Trung - T.Q) |
Ban ngày, lúc Triệu Hỉ ra ngoài
đi làm, Thủy Đào suốt mấy tháng nay ngày ngày chỉ buồn bã ở trong nhà lại nhẹ
nhàng nhón bước, ra khỏi lớp cửa trong, nấp ở phía sau, lặng lẽ ngây ra nhìn ngắm
cái tổ én dưới mái hiên suốt hồi lâu.
Thôn Hồ Gia Kiều này, trong thôn
ngoài thôn chỗ nào cũng sẵn nước, sẵn bùn, sẵn cỏ, cái tổ én đẹp đẽ chả mấy đã
được xây xong dưới mái hiên gian nhà mé đông của Triệu Hỉ.
Rồi một hôm, trong cái tổ én dưới
mái hiên ấy đã thấy có tiếng đòi ăn lích cha lích chích của lũ én con. Én lớn én
nhỏ cùng hòa nhau, con kêu con hót, khiến khoảng sân vốn đau buồn, lạnh lẽo suốt
một đông một xuân của nhà họ Chân đã có lại được sinh khí, cũng khiến trái tim
ngưng trệ như nước đọng ao tù của Thủy Đào hoạt bát lên một chút.
Tối hôm ấy, đêm đã rất khuya, Thủy
Đào vốn mất ngủ đã mấy tháng, dường như nghe thấy có tiếng mèo kêu, liền sau đó
tựa hồ loáng thoáng nghe có một tiếng kêu của con chim én lớn.
Thủy Đào nhỏm người ngồi dậy, định
khoác áo xỏ giày. Lập tức nhớ ra, cái tổ én ấy ở bên ngoài cửa sổ buồng Triệu Hỉ,
Thủy Đào vội đứng dừng lại ở bên giường, chậm rãi cởi giày ra.
Tất nhiên, Thủy Đào vẫn lo sợ.
Ngồi ở bên giường đến dăm ba phút,
Thủy Đào lại xỏ lại chân vào giày, đi ra trước cửa sổ. Đứng bên cửa sổ lại bảy
tám phút đồng hồ nữa, rốt cùng cô không thể nào an tâm nổi, nhẹ nhàng mở cửa,
nhón chân, đi ra sân ngoài.
Ra khỏi lớp cửa ngăn với sân
ngoài, dưới ánh trăng nhàn nhạt, đã nhìn thấy ngay khuôn cửa sổ gian nhà Triệu
Hỉ ở. Thủy Đào vẫn còn nghi ngại, lại đứng dừng lại bốn năm phút, tận đến khi
loáng thoáng có tiếng lịch bịch từ chỗ tổ én vẳng lại, cuối cùng mới không cần
quan tâm gì nữa, quyết định lại gần xem xét cho rõ ràng.
Ai ngờ, cô vừa mới đến gần cửa nhà
phía đông, thì Triệu Hỉ bỗng nhiên mở cửa, bước một chân ra.
Khoảnh khắc hai người cùng đứng sững
lại đó, tiến chẳng xong, lui chẳng được. Dưới ánh trăng lờ mờ ai nấy cùng chôn
chân tại chỗ.
Nửa phút sau, Thủy Đào mới lí nhí
nói: “Hình như tôi nghe thấy có tiếng mèo đến, tôi không yên tâm lũ én con, định
xem xem …”
Triệu Hỉ tựa hồ cũng được cởi
trói, vội bảo: “Vâng, tôi cũng nghe thấy thế, tôi cũng định …”
Hai người lại cùng im lặng, lại đứng
như trời trồng ở đó.
Lại nửa phút sau, Triệu Hỉ mới
nói: “Để tôi mang cái thang lại, trèo lên xem xem.”
Triệu Hỉ đi sang hiên nhà bên tây
lấy cái thang cũ đã hơi mục đến, còn Thủy Đào vẫn đứng tại chỗ.
Triệu Hỉ dựng cái thang tựa vào
trước cửa sổ, lại vào buồng lấy cái đèn pin ra, định trèo lên. Thủy Đào lại hơi
do dự, chỉ chỉ vào dưới chân thang nhắc bảo: “Xem xem, đã chắc chưa?”
Triệu Hỉ cầm đèn pin soi soi xuống
dưới, lay lay cái thang, rồi nhanh nhẹn trèo lên. Thủy Đào không đừng được lại
dặn dò: “Nhẹ nhàng thôi … chớ làm chúng sợ!”
Chỉ là lo hão.
Vì thế, cô vội vã quay người đi
vào sân trong. Anh cũng nhẹ nhàng đem trả cái thang về chỗ cũ.
Ai nấy về buồng của mình.
Đến lúc trời mờ sáng, Thủy Đào cảm
thấy mình mẩy hơi không được khỏe, căn bệnh phong hàn đeo bám cô lâu nay tựa hồ
lại quay trở lại.
Sáng sau trở dậy, trời u ám, gió
nổi lên. Lúc buổi trưa, gió trở mạnh hơn, một cơn gió lốc cuộn đến chỗ tổ én dưới
mái hiên nhà bên đông, cuốn một con én con vừa mọc lông nhung đang đứng trên
vách tổ én nghển cổ đợi mẹ rơi xuống đất, kinh hãi chíp chíp chíp hốt hoảng kêu
vang.
Thủy Đào nghe thấy tiếng kêu vội
vàng chạy ra. Triệu Hỉ đi ra ngoài không có ở nhà, nên cô chỉ còn cách tự vác
cái thang đến, nhẹ nhàng cầm con én con trong lòng bàn tay, đang chuẩn bị trèo
lên thang thì vừa vặn Triệu Hỉ từ ngoài cửa bước vào.
“Để tôi! Để đấy tôi!” Triệu Hỉ bỏ
cái cuốc chạy tới.
Lửng chiều, trong làn gió ấm áp bắt
đầu lay phay vài sợi mưa mát lạnh, tí ta tí tách, vấn vít tâm can.
Trong cơn mưa xuân miên man, đã đến
xẩm tối lúc lũ trẻ đã tan học về nhà. Suốt mấy ngày phải nằm trong buồng vì ho,
Thủy Đào cảm thấy toàn thân không còn sức lực nữa, cô nặng nhọc bước xuống giường,
cầm lấy ô, loạng choạng chuẩn bị đến trường đón con. Từ trước Tết, sau khi xảy
ra việc bất hạnh với mọi người trong nhà, cô bắt đầu phải đưa đón con đi học
hàng ngày.
Triệu Hỉ từ nhà phía đông đi ra,
nhìn Thủy Đào như cây dương liễu lung lay trước gió, bước lại giành lấy cái ô
trong tay cô, nói: “Cô vào nhà đi, để tôi đi cho!”
Triệu Hỉ cầm ô, bước vào giữa những
sợi mưa trên đường. Thủy Đào trông thấy trong cái nồi của Triệu Hỉ ở dưới mái
hiên, nước đang cuồn cuộn cuồn cuộn sôi. Cô đứng ở cửa, ngần ngừ một lát, rồi mới
bước vào trong gian nhà của anh.
Trong buồng rất tối, trống hơ trống
hoác, phảng phất một mùi vị của cánh đàn ông làm ruộng. Lượn quanh hai vòng, Thủy
Đào cũng không tìm thấy bột mì của Triệu Hỉ ở đâu.
Thế là cô vội vã lui ra, đi về buồng
mình, xúc lấy một ít bột ngô, rồi lại vội vã trở lại, bỏ vào nồi nấu cho Triệu
Hỉ.
Mưa xuân nghiêng nghiêng gõ vang lên
những tiếng tinh tinh tang tang trên nền đá xanh trong sân. Trong chiếc nồi của
Triệu Hỉ cũng tỏa ra làn khói trắng thơm nức hương ngô. Thủy Đào cầm muôi quấy
thật kỹ bột trong nồi, đậy vung cẩn thận, lại đứng một chốc, rồi mới yên tâm
quay vào sân trong.
Một làn gió xuân, kéo một vệt mưa
xuân rắc lên đầu, lên mặt, lên người Thủy Đào, cô mới cảm chợt thấy hơi lạnh
trong người. Thủy Đào thầm nghĩ – Có nhẽ cơn sốt lúc ban ngày vẫn còn chưa dứt
hẳn!
(Châu Hải Đường dịch - Báo Văn nghệ, số 10/2024)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét