“Mùa hạ lại
về; Khiến tôi nhớ lại.”
– Dân ca
nước ngoài
Giá như mặt
trời tháng Bảy không nóng cháy như thế, thì khu bãi sông ấy đã không vắng vẻ,
không mênh mông như vậy. Chỉ có tiếng ve râm ran đầy trời, như thế lại càng
thêm vẻ tĩnh mịch giữa ngày nắng chói. Huống chi, lại là ban trưa, mây và gió đều
chẳng biết đã lẳng lặng chạy trốn vào xó nào cả rồi.
Nhưng trên
cồn cát dài tít tắp chẳng bao lâu đã xuất hiện hai chấm đen nho nhỏ, rồi dần dần
lay động, dần dần lớn lên. Trên những chỗ chấm đen ấy di chuyển qua, ngoằn
ngoèo hai hàng dấu chân khi nông khi sâu, nghiêng nghiêng ngả ngả, giống như những
cái chung rượu đựng đầy ánh nắng, đựng đầy hương thơm của những bông hoa dại từ
triền đê thoảng tới.
Và đầy cả
những tiếng cười khanh khách giòn tan như bánh đa nữa.
Đó là hai cậu
thiếu niên! Một đứa thì trắng trẻo, còn đứa kia thì đen thui. Chúng hối hả chạy
lại. Đứa trắng trẻo, gầy, mặc quần soóc Âu, áo sơ mi ngắn tay. Trên cái dây
lưng da giắt nghiêng một cây súng chạc bằng gỗ. Còn đứa đen thui thì cởi trần,
mất một chiếc răng cửa, nhưng lại cứ thích ngoác miệng ra cười ha ha. Ngay cả kẽ
ngón chân nó cũng bị nắng hè thui đen cả, chỉ không thui đen được chiếc răng cửa
còn lại của nó mà thôi. Trên đầu nó còn mọc một cái nhọt bọc đỏ ửng như quả cà
chua.
Hai cậu bé
vừa đi, vừa cúi người, những hạt mồ hôi lóng lánh nhỏ giọt xuống bãi sông.
“Ái chà, mệt
quá. Nắng chết đi mất!”
“Thế thì
nghỉ một chút đi. Người thành phố đúng là chẳng được việc gì.”
Hai đứa ngồi
xuống nghỉ bên triền đê cao, cánh mũi phập phồng. Trên đê, hoa dại nở đầy chỗ
vàng, chỗ đỏ, đóa nào đóa nấy rực rỡ như một bài ca! Chúng lười nhác vứt hai
cái giỏ tre xuống bên chân . Mỗi đứa đều đã hái được già nửa giỏ rau sam tía rồi.
Rau sam này, người ở quê sẽ đem rải ra trên những tấm ván cửa, phơi khô, rồi
xào với thật nhiều ớt đỏ, ăn rất mềm, rất khoái khẩu. Người thành phố có nhẽ khó
mà từng được nếm qua. Thế nên cậu bé trắng trẻo ấy cũng rất thích bà ngoại xào
món rau sam khô thơm nức mũi đó, để ăn với cháo đậu xanh. Bà ngoại thì chỉ mỉm
cười, nhẹ bảo: “Rõ cái thằng bé này!”
“Chơi chọi
gà không?” – Đứa da đen đề nghị.
“Được! Được!
“Đứa nào
thua bị đét tay nhé?
“Đét tay
thì đét tay.
Hai đứa
bèn hái cỏ gà cùng chơi, thắng thua không quan trọng, chỉ cốt cho vui là được.
Tiếng ve réo rắt kêu đến chói tai. Ông mặt trời to thật.
Đến khi
trò chọi gà đã chơi chán rồi, hai đứa lại đi hái rau sam, đầy chặt cả một giỏ rồi,
không còn chứa thêm được tí nào nữa rồi, chúng lại ngồi xuống nghỉ. Đứa trắng
trẻo lấy cây súng chạc ra, nhặt một viên sỏi, lấy hết sức bắn. Viên sỏi rơi tõm
xuống giữa sông, làm bắn tung lên một đám bọt nước nho nhỏ.
“Ái chà,
xa thế!”
“Tớ còn bắn
được sang bên kia sông.”
“Nói
khoác.”
“Tớ không
hề nói khoác nhé.”
Nước sông,
tựa như bị bắn đau, vội vã chảy đi, cuồn cuộn cuồn cuộn. Đó là một con sông nổi
tiếng ở miền nam, ngày đêm đều có vô số những câu chuyện hoặc đẹp đẽ hoặc bi
thương chảy qua chảy lại, xưa cũ mà mới mẻ. Thảng hoặc có một cánh buồm trắng,
lướt qua như một tờ lịch ngày, trong không gian tĩnh mịch còn lại, chỉ có những
con sóng nhỏ nhè nhẹ xô nhau, liếm nhẹ vào bầu trời, liếm nhẹ vào bờ cát. Những
con cá nhỏ, tôm nhỏ nhảy búng lên. Đá cuội vô cùng sạch sẽ.
“Bây giờ tớ
đố cậu nhé.” – Đứa trắng trẻo nói.
“Đố á? Tớ
ghét nhất là toán đố!”
“Cậu có nhận
ra, bên bờ trái và bờ phải con sông có gì khác nhau không?”
“Bên trái
có ruộng ngô. Bên phải không có.”
“Không hỏi
cái ấy nhá.”
“Bên trái
… có trạm bơm. Bên phải không có.”
“Vẫn không
phải hỏi cái ấy.”
Cuối cùng,
đứa da đen đành lắc đầu chịu thua.
“Cậu đúng
thật là … Nhìn đây này! Bờ bên trái bằng phẳng hơn, còn bờ bên phải cao hơn một
chút. Đã nhìn ra chưa?”
“Ừ, ừ,
đúng thật nhỉ!”
“Chuyện
này có lý do của nó. Cậu có hiểu không?”
Nó lại lắc
lắc cái đầu mọc nhọt:
“Nói đi, cậu
hiểu thì nói đi.”
“Anh giai
à, nó cho thấy rằng: đây là do địa cầu tự chuyển động mà tạo thành đấy!”
“Ồ, ồ, cậu
biết nhiều chuyện thế nhỉ.”
Đứa trắng
trẻo liền bật cười. Hai con mắt đen bóng ánh lên lấp lánh. Song nó lại quên mất
rằng, việc hái rau sam là nó được cậu bé nhà quê kia dạy cho mình. Lại còn dạy
cả cho nó biết nướng ngô mà ăn thế nào, câu ếch thế nào … Người ta ai cũng có
trí thông minh và niềm tự hào của mình, chẳng ai là không cả.
Tiếng ve
đã hơi ngưng nghỉ.
“Yên tĩnh
thật.”
“Phải.”
“Hái được
nhiều rau sam thế này, về bà ngoại vui lắm đây.”
“Tất nhiên
rồi. Tuyên dương công việc cậu đã làm!”
Đứa trắng
trẻo, trong lúc im lặng tưởng tượng, như nhìn thấy nét mặt vui mừng của bà ngoại.
Những sợi tóc bạc của bà đung dưa trước mắt nó. Chả trách, nó đã được bà ngoại
nuôi khôn lớn. Tuổi thơ lãng mạn như con
thuyền trăng, đậu lại trong vòng tay của bà ngoại. Vòng tay bà vừa yên tĩnh, lại
vừa ấm áp.
Nhưng bỗng
một ngày, bà ngoại gói gém tay nải quay trở về quê. Rốt chẳng hiểu là vì sao nữa.
Vừa nãy
trong khi ăn cơm trưa, có người cách ngoài bờ ruộng gọi bà, tiếng to lắm. Đến
khi bà quay trở vào, thì dắt theo cu cậu đen trũi này – bạn nó, bảo hai đứa
chúng nó cùng đi chơi với nhau, đi ra xa mãi tận bên bờ sông mà chơi, mà hái
rau sam, bơi sông, tùy ý. Tóm lại là cứ đi chơi một buổi chiều cho thật thỏa
thích. “Ngoan, nghe lời bà, không được để xảy ra chuyện gì. Chưa đến tối thì
chưa được về nhé.” Rồi bà đưa cho mỗi đứa một cái giỏ tre to. Lúc ấy, trên đầu
vừng mặt trời cứ y như một cái đĩa sắt nung đỏ. Thằng bé trắng trẻo thích lắm,
nhưng nó cũng lấy làm ngạc nhiên vô cùng. Vì thường ngày cứ buổi trưa là bà nhất
định lại bắt nó đi ngủ, nhất định không cho nó ra ngoài chơi. Vậy mà hôm nay, mọi
việc lại thay đổi hẳn. Bà ngoại thật tốt biết bao!
Đứa da đen
bảo: “Cậu bơi chứ? Bơi sang bờ bên kia.”
“Được.” – Đứa
trắng trẻo nheo mắt nhìn sang bờ sông xanh biếc và dãy núi xanh mờ xa xa phía
bên kia nói – “Được! Được!”
“Thi nhé?”
“Thi.”
“Đứa nào
thua là chó nhé?”
“Là chó
thì là chó.”
Đứa da đen
bật cười. Nụ cười thiếu cái răng cửa rất ngượng ngùng, rất đáng mến.
Thế là cả
hai cùng nhất tề nhảy thùm xuống sông. Nước sông êm đềm mát rượi. Nhẹ nhàng
nâng hai đứa bé trần truồng, một đen, một trắng lên, nhẹ nhàng nở rồi lại tàn từng
bông từng bông hoa nước thật đẹp. Cậu bé đến từ thành phố dường như nuốt mất mấy
ngụm nước rồi. Bởi vì nó suýt cười khi nhìn thấy bạn mình bơi bằng một tư thế mà người ta vẫn gọi
là “bơi chó” rất buồn cười, lại còn phun phì phì nước ra từ chỗ cái răng cửa bị
trẫng về phía nó. Xa tít ngoài kia là một lá buồm trắng đang chầm chậm lướt tới.
Thật là thích, thật là vui.
Hơn nữa, bờ
sông bên này quang cảnh lại khác hẳn, là một vùng cỏ nước xanh mướt. Cỏ nước thật
xum xuê. Phía sau nó thì lại là một rừng lau lách. Cứ xanh ngăn ngắt, xanh
không biết đến đâu là cùng, y như niềm mơ mộng của lũ trẻ.
“Ôi chao!
Chỗ này trông đẹp thật đấy.”
“Chỉ người
thành phố về mới nói nó là đẹp.”
Hai đứa trẻ
trần như nhộng đứng trên bờ sông. Một đứa đen thui, một đứa trắng bóc, đầu tóc
ướt sườn sượt, nhưng tâm tình thì lại chói sáng hơn cả bầu không.
Bỗng nhiên
cậu bé trắng trẻo, kêu ối lên một tiếng kinh hãi, rồi lui lại phía sau mấy bước,
lảo đảo chực ngã: Trong đám cỏ nước có một con rắn!
“Đừng sợ” – Đứa da đen nói – “Đừng sợ, rắn nước
thôi.”
Rồi nó cúi
người, rất nhanh túm ngay lấy đuôi con rắn thuận tay vung mạnh, con rắn ngùng
ngoằng như một tia chớp trên không, rồi rơi xuống giữa sông. Thật đáng sợ. Cậu bé trắng trẻo sợ toát mồ
hôi, lập tức cảm thấy ngưỡng mộ người bạn đi với nó vô cùng.
Bạn nó lại
chợt hỏi: “Mắt cậu có được tốt không?”
“Mắt bên
phải bị cận một độ hai.”
“Không lo.
Ngày mai tớ sẽ bắt mấy con rắn cạp nong, cạp nia, lấy mật cho cậu uống, đảm bảo
mắt cậu sẽ tinh tường ngay.”
Đứa trắng
trẻo lại thêm mấy phần nể phục. Nó nhìn cái răng cửa bị trẫng y như một cái lỗ
chuột nhỏ của bạn mình cảm thấy vừa buồn cười, lại vừa thân thiết.
Nó đang định
nói mấy câu, thì bạn nó bỗng nhiên giơ ngón tay trỏ lên ngăn lại, rồi ghé tai
nó bảo: “Đừng làm ồn, mau nhìn đi.”
“Gì thế?”
“Bên kia.”
“Ôi chao!”
Ở phía bên
kia, cậu bé trắng trẻo đã nhìn thấy hai con chim nước. Hai con chim nước trắng
muốt như tuyết, đang đứng bên đám cỏ xanh rờn, nhẹ nhàng chải chuốt bộ lông
cánh sáng trắng đến lóa mắt của nó. Đẹp đẽ, hiền hòa, mà tự do tự tại.
Chúng đáp
xuống đây khi nào nhỉ?
Cậu bé trắng
trẻo nghĩ: Ôi, giá như mang theo cây súng chạc sang bên này thì tốt biết bao!
Nhưng nó lập tức tự gạt bỏ ngay cái “chủ nghĩa Phát-xít” của mình đi. Bởi vì,
sinh mệnh đẹp đẽ, hòa bình, tự do ấy đã thực sự chinh phục nó hoàn toàn, khiến
nó đến thở cũng không dám thở mạnh nữa.
Bốn bề thật
tĩnh lặng. Chỉ có tiếng dòng sông rì rầm vỗ bờ. Trên bùn mịn có những con bọ cánh
cứng đang bò, phát sáng lấp lóa. Màu xanh của cỏ, màu trắng của con chim khiến
người ta cảm động.
“Giá bắt
được nó thì tốt quá. Nuôi nó rồi ngày nào cũng tha hồ mà ngắm.” – Đứa da đen
nói nhỏ.
“Không.”
“Cậu không
thích à?”
“Tớ còn
thích hơn cậu nhiều.”
Đứa da đen
bật cười, rồi lập tức lặng im không nói gì nữa. Cái nhọt trên đầu nó hơi nhoi
nhói đau.
Đôi chim
tình tình tự tự, cùng soi bóng mình xuống bờ nước nông. Rồi chúng lấy mỏ đùa giỡn
nhau, cọ cọ dụi dụi hai cái cổ dài vào nhau. Đôi chim cùng với bầu trời này,
dòng sông này, cùng với một vùng bát ngát cỏ xanh tĩnh mịch này, hệt như một bức tranh tuyệt đẹp.
Hai đứa bé
trần như nhộng, nằm phục vào khóm cỏ nhìn trộm. Cỏ khiến toàn thân chúng ngứa
ngáy, nhưng chúng vẫn không dám động đậy, không dám làm hỏng một chút nào bức
tranh ấy. Bầu trời xanh lam như được dán vào hai tấm lưng trần.
Không khí
đang thiêu đốt. Không tiếng không lời, vô biên vô tận.
Hốt nhiên
có tiếng thanh la, choeng choeng choeng
choeng, từ bên kia sông vọng tới.
“Làm gì mà
người ta khua thanh la thế?”
“Ôi chao!”
– Đứa da đen lập tức bật dậy như cái lò xo, bụng nó dính đầy bùn đất – “Họp đấu
tố! Chiều hôm nay có cuộc họp đấu tố!”
Ầm ầm ào
ào, tiếng thanh la, tiếng hô hét vọng lại khiến hai con chim nước giật mình bay
đi. Từ miền xanh ngun ngút ấy, hai cái bóng trắng tuyết vút lên, chấp chới chấp
chới rồi dần biến mất ở mãi nơi xa tít.
Bầu trời trống
không. Mặt trời mùa hạ vẫn chói lói một vẻ huy hoàng.
Châu Hải Đường dịch (VNQĐ số 1001, tháng 11/2022)
Giới
thiệu Tác giả:
Hà Lập Vĩ
sinh năm 1954 tạ Hồ Nam, là nhà văn đương đại Trung Quốc. Ông tốt nghiệp khoa
Ngữ văn, Học viện sư phạm Hồ Nam năm 1978, từng làm qua nhiều công việc như
công nhân, giáo viên, chuyên viên văn học, nhà văn chuyên nghiệp, chủ biên tạp
chí … Hiện nay Hà Lập Vĩ là chủ biên tạp chí “Sáng tác”, Ủy viên Hội nhà văn Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội nhà văn
tỉnh Hồ Nam.
Ông chủ yếu
sáng tác văn xuôi với ba thể loại truyện ngắn (như: “Bài ca của người thợ đá”, “Thành
phố nhỏ không một câu chuyện”, “Ga xép”, “Chim trắng” ,,,) truyện vừa (như:
“Hoa phi hoa”, “Đùa với tình yêu”, “Bài
ca thiên đường” …) và trường thiên tiểu thuyết (như: “Em ở nơi đâu”, “Như mặt trời vào tám chín giờ” …) Ngoài ra ông còn
vẽ tranh biếm họa, và đã xuất bản một số tập. Hà Lập Vĩ từng giành nhiều giải
thưởng văn học, trong đó truyện ngắn “Chim
trắng” của ông từng giành Giải thưởng Truyện ngắn Ưu tú Toàn quốc năm 1984.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét