Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Mấy vần thơ Nôm của Nguyễn Gia Thiều trong "Xuyết Thập Tạp Ký"

Trong cuốn "Văn học VN nửa cuối TK 18 nửa đầu TK 19" - 1976 của Giáo sư Nguyễn Lộc phần về Nguyễn Gia Thiều có nói, cụ Ôn Như có mấy tập thơ như Ôn Như Thi Tập, Tây Hồ Thi Tập, Tứ Trai thi tập ... với số lượng hàng ngàn bài thơ, nhưng đến nay đều mất cả (chắc do tình cảnh loạn lạc Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn thời kỳ này) chỉ còn vài ba bài chép trong Tạp Ký của Lý Văn Phức.
Vừa qua nhân đọc cuốn Tạp Ký của Lý Văn Phức mà G.S Nguyễn Lộc có nói đến, thấy đoạn chép về Nguyễn Gia Thiều, như sau:




(Hai trang sách ghi chép về Nguyễn Gia Thiều trong Xuyết thập tạp ký của Lý Văn Phức)

Ôn Như tiên sinh sở trường nhất ở lối thơ quốc âm. (Ông) có hai lối làm thơ, một là ứng khẩu thành chương mà lời lời đều khiến mọi người ưng ý; cách nữa là chau chuốt gọt giũa, thì lời lời đều khiến mọi người phải kinh ngạc. Có bận ông gọi đứa ở tên là Cam đi lấy đồ ở các nơi hiên viện, thế này:

"Cam, tốc ra thăm gốc hải đường;
Hái hoa về để kết làm tràng.
Những cành mới chiếng đừng vin nặng;
Mấy đoá còn xanh chớ bứt quàng.
Với lại tây hiên tìm liễn xạ;
Rồi sang đông viện lấy bình hương.
Mà về cho chóng đừng thơ thẩn;
Kẻo lại rằng chưa dặn kỹ càng."

Lại có hôm nhàn toạ trong vườn nhỏ, thấy mấy loại rau nho nhỏ như gừng, tói, đều bị mưa gió dập rụng, ông cảm khái nói:
"Lép nhép vài hàng tỏi;
Lơ thơ mấy luống khương.
Vẻ chi tẻo hèo cảnh;
Thế mà cũng tang thương."

Đó là lối ứng khẩu vậy.

Lại có câu vịnh Canh Năm rằng:

“Dế gọi người nằm thiên cổ dậy;
Sương trùm cảnh đứng tứ canh đi”

Lại có câu khóc vợ rằng:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng;
Xếp tàn y lại để dành hơi”

Lại có câu vịnh cảnh”
“Đưa lọt kẽ mành khuôn gió dẹp;
Luồn qua cửa sổ dáng trăng thô”

Đó là lối chau chuốt gọn giũa vậy.

Lại có bài thơ "Gửi tình nhân" rằng:

“Khạc chẳng ra cho nuốt chẳng vào;
Miếng tình nghẹn mãi biết làm sao?
Muốn kêu một tiếng cho to lắm;
Rằng ối ai ơi khốn thế nào!”


Bài này thì lại kiêm dùng cả hai lối vậy. Học làm thơ quốc âm, mà đến được như Ôn Như tiên sinh, đáng gọi là tột bậc vậy!



Có thể nói đoạn ghi chép trên cũng như là một tiết phẩm bình về thơ của Ôn Như hầu của sách "Thi thoại" vậy. Thực đáng tiếc là mấy tập thơ của Ôn Như Hầu đều không còn. nếu không có thể chúng ta đã được đọc nhiều hơn thơ Nôm của ông. Nhưng, qua đoạn ghi chép này, có thể khẳng định được rõ ràng một lần nữa, về tác giả hai câu thơ được coi là hàng danh cú: "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng; Xếp tàn y lại để dành hơi" chính là Nguyễn Gia Thiều chứ chẳng phải Tự Đức như một số lưu truyền trước đây. Bởi vì, Lý Văn Phức làm quan ngay thời Tự Đức thì không thể chép thơ của Vua ra rồi bảo của người khác được. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét