Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Hoàng Đế Trung Hoa Với Các Phi Tần Hàn Quốc

Thời đại Triều Tiên tức thời kỳ mà nàng Đê Chang Kưm - chúng ta đã được biết qua bộ phim truyền hình cùng tên của Hàn Quốc - sống, có thể nói quan hệ giữa Trung Hoa (khi ấy là thời Minh) và Triều Tiên (bao gồm cả Triều Tiên và Hàn Quốc ngày nay) đã rất mật thiết. Có một điểm đặc biệt là các vị hoàng đế Trung Hoa bấy giờ đã lấy rất nhiều phi tần Hàn Quốc, và đi theo họ là các thị nữ, thái giám, đầu bếp và người múa hát ….


Chuyện những hoàng đế Trung Hoa lấy vợ Hàn Quốc trong chính sử Trung Quốc đề cập không nhiều, nhưng trong các bộ sử Triều Tiên khi ấy như "Triều Tiên Lý Triều thực lục" và "Cao Ly Sử" thì đều có ghi chép rõ ràng.

Hoàng đế Vĩnh Lạc và 8 vị phi tần Hàn Quốc

Chuyện hoàng đế Vĩnh Lạc (tức Minh Thành Tổ - Chu Lệ) lấy phi tần người Triều Tiên là khởi nguồn từ mong muốn kết thân của phụ hoàng Minh Thái Tổ - Chu Nguyên Chương với Vương Xương - quốc vương Cao Ly và Lý Thành Quế - vua Triều Tiên sau đó. Tháng 4 năm Hồng Vũ thứ 22 (1389), Minh Thái Tổ truyền dụ cho quốc vương Cao Ly chọn những thiếu nữ có xuất thân tốt để cưới cho con em trong hoàng thất nhà Minh. Từ năm Hồng Vũ thứ 25, sau khi Cao Ly có sự thay đổi chính quyền cho đến năm Hồng Vũ 31, Minh Thái Tổ băng hà, hai bên đã nhiều lần thương lượng chuyện kết thân. Đến thời Vĩnh Lạc thì hoàng đế này đã ba lần tuyển phi ở Triều Tiên, ông không những rất yêu quý những người vợ Triều Tiên của mình mà còn rất thích tập quán văn hoá và ẩm thực của Triều Tiên.
Lần tuyển phi đầu tiên là sau khi Vĩnh Lạc đế lên ngôi, có lẽ là để tiếp tục mong muốn kết thân thời Hồng Vũ. Tháng 4 năm Vĩnh Lạc nguyên niên, Chu Lệ phái sứ thần đến thủ đô Hán Dương của Triều Tiên (tức Seoul - thủ đô Hàn Quốc ngày nay) thương lượng việc bắt những tay chân của Kiến Văn đế chạy đến Triều Tiên đồng thời bày tỏ ý định muốn kết hôn giao hảo của Chu Lệ. Năm Vĩnh Lạc thứ 5, Từ hoàng hậu bị bệnh chết, ngày 16 tháng 4 năm sau (1408) triều đình sai quan Nội sử là Hoàng Nghiễm đến Hán Dương - Triều Tiên, bắt đầu công việc tuyển phi, trong thời gian đó cấm trai gái ở Triều Tiên kết hôn. Đến tháng 11 thì chọn được 5 người đều là con gái các quan lại ở đó là họ Quyền, họ Nhiệm, họ Lý, họ Lữ và họ Thôi. Ngoài ra còn có 12 nữ tuỳ tòng, 12 thái giám. Quốc vương Triều Tiên lại sai sứ thần hộ tống và mang theo 6000 tờ giấy trắng để làm quà tặng. Tháng 2 năm sau thì đoàn phi tần đến Bắc Kinh, họ Quyền được phong làm Hiền phi, cai quản việc ở lục cung, tương đương quyền hoàng hậu; họ Nhiệm được phong làm Thuận phi, họ Lý được phong làm Chiêu nghi, họ Lữ được phong làm Tiệp dư; họ Thôi được phong làm Mỹ nhân. Anh trai Quyền phi là Quyền Vĩnh Quân được phong chức Quang lộc tự khanh (quan đứng đầu bộ phận lo việc yến tiệc trong cung đình), quan tam phẩm, và ban tặng nhiều lụa là vàng bạc, ngựa quý. Cha của Nhiệm phi được phong chức Hồng Lô tự khanh, cha của Lý Chiêu nghi và Lữ Tiệp dư đều được ban chức Quang Lộc tự thiếu khanh, quan tứ phẩm, còn cha của Thôi Mỹ nhân thì được phong chức Hồng Lô tự thiếu khanh, quan ngũ phẩm. Trong "Minh sử - Hậu phi truyện" có một đoạn duy nhất chép về các phi tần Hàn Quốc, đó là đoạn chép về Quyền phi như sau: "Cung hiến Hiền phi họ Quyền, là người Triều Tiên, … tư chất hiền hoà tốt đẹp, giỏi thổi ngọc tiêu, được hoàng đế rất yêu mến." Thế nhưng, tháng 10 năm sau đó, thì bà Hiền phi này đã chết trên đường theo hoàng đế từ Nam Kinh đến Bắc Kinh. "Triều Tiên Lý triều thực lục" có chép, hoàng đế Vĩnh Lạc khi gặp anh trai của Hiền phi, "lúc ban lời, nước mắt lưng tròng, thở than thương cảm không nói được câu nào". Vĩnh Lạc đế cũng rất thích văn hoá và ẩm thực Triều Tiên, đến tận lúc già vẫn hoài niệm Hiền phi, nói: "Ta già rồi, ăn uống không thấy ngon nữa… Khi Hiền phi còn sống, thường dâng những món ăn rất hợp vị, sau khi nàng chết, ngự thiện dâng lên nhạt nhẽo, chẳng vừa ý chút nào"
Lần tuyển phi thứ hai là vào năm Vĩnh Lạc thứ 7 (1409), ngày 3 tháng 5 năm đó, thái giám Hoàng Nghiễm lại đến Hán Dương. Đến tháng 8, phía Triều Tiên xác định việc tuyển người, nhưng nhà Minh lúc này đang phải lo việc chống lại bộ tộc Tarta của nhà Nguyên đã diệt vong vào đánh Bắc Kinh, do vậy Chu Lệ đã cho hoãn việc tuyển phi lại. Đến ngày 2 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 9 (1411) Triều Tiên chọn được họ Trịnh đưa sang Bắc Kinh, hoàng đế vừa nhìn thấy nàng họ Trịnh này đã rất yêu mến, ban tặng cho những người đi cùng rất hậu. Cha của họ Trịnh là Trịnh Doãn Hậu cũng được ban chức Quang Lộc tự thiếu khanh. Việc mấy vị nhạc phụ người Hàn Quốc của Vĩnh Lạc đều được ban chức trong Quang Lộc tự có thể cho thấy ông rất thích món ăn của đất nước này.
Lần tuyển phi thứ ba là vào năm Vĩnh Lạc thứ 15 (1417). Triều Tiên chọn được hai người họ Hàn và họ Hoàng, đi theo còn có 6 thị nữ và 2 thái giám. Ngày 6 tháng 8 thì khởi hành, đến ngày 8 tháng 10 thì đến kinh đô. Vĩnh Lạc rất yêu quý nàng họ Hàn, ban tặng cho cha anh họ Hàn rất nhiều tài vật và đưa tiễn tới tận Liêu Đông. Sau đó vào ngày 3 tháng 11 lại ban sắc phong và thưởng cho quốc vương Triều Tiên 2.000 lạng bạch kim, 200 tấm lụa, 50 tấm nhung gấm, 24 con ngựa, lại thưởng thêm cho vương phi (vợ chính của quốc vương) 80 tấm lụa.

Hoàng đế Tuyên Đức cũng có 8 phi tần Hàn Quốc

Hoàng đế Tuyên Đức tức Minh Tuyên Tông là một trong những hoàng đế ở thời kỳ thái bình thịnh trị đầu Minh và cũng là một trong những hoàng đế đầy tài hoa nghệ thuật trong lịch sử Trung Quốc. Ông từ nhỏ đã được ông nội - hoàng đế Vĩnh Lạc rất yêu dấu, nên luôn luôn được ở bên ông nội mình bất kể khi trong cung hay khi chinh chiến bắc phạt.
Đặc biệt là, chịu ảnh hưởng của ông nội mình, Tuyên Đức cũng thích ẩm thực dân tộc của Triều Tiên, đặc biệt thích thú ca vũ của Triều Tiên, trong 10 năm tại vị, ông đã cho tuyển hơn 100 thiếu nữ múa hát và nấu ăn người Triều Tiên. Và cũng giống ông nội mình, Tuyên Đức cũng có 8 phi tần người Triều Tiên.
Tuyên Đức đế Chu Chiêm Cơ chỉ đến Triều Tiên tuyển phi một lần. Vào tháng 3, 4 năm thứ hai sau khi lên ngôi (1426) Tuyên Đức phái sứ thần là Xương Thịnh, Doãn Phượng và Bạch Ngạn đến Triều Tiên tuyển phi và chọn đầu bếp. Khi ấy hoàng đế 28 tuổi. Trong "Minh Tuyên Tông thực lục" có một đoạn ghi chép về vấn đề này, những lễ vật tặng cho quốc vương Triều Tiên lần ấy có 1000 lạng bạch kim, 240 tấm lụa là gấm vóc. Ban đầu tuyển được 7 vị phi là: con gái họ Thành, họ Cư, họ Trịnh, họ Lư, họ An, họ Ngô, họ Thôi. Em gái họ Hàn đã nhập cung thời Vĩnh Lạc có dung mạo đẹp đẽ, sứ Minh sau khi biết lại cho vời đến nên cuối cùng tuyển được 8 người. 8 phi tần, cùng 10 người đầu bếp, 16 thị nữ, và 10 thái giám ngày 20 tháng 7 năm Tuyên Đức 3 rời Hán Dương, đến 26 tháng 11 thì đến Bắc Kinh.

Nói thêm về bà phi họ Hàn thứ 8 này. Hàn phi sinh năm Vĩnh Lạc thứ 10 (1412), tiểu danh Quế Lan. Bà phi này sau đó sống qua các thời Tuyên Đức, Chính Thống, Cảnh Thái, Thành Hoá, và bà chính là người nuôi nấng Thành Hoá đế Chu Kiến Thâm, nên Thành Hoá rất kính trọng. Các phi tần của Thành Hoá cũng đều tôn kính bà là "nữ sư", gọi là "bà ngoại". Hàn Thái phi với Thái hậu cũng rất thân mật. Năm Thành Hoá thứ 19, Hàn Thái phi qua đời ở tuổi 74, được ban thuỵ hiệu là Cung Thận, an táng trên núi Hương Sơn phía tây Bắc Kinh.

Thời kỳ Đê Chang Kưm ở trong cung, Minh Vũ Tông tuyển phi

Trong vòng 136 năm sau thời Tuyên Đức, các hoàng đế nhà Minh không đến Triều Tiên tuyển phi. Đến thời Minh Vũ Tông Chu Hậu Chiếu - một ông vua nổi tiếng hoang dâm vô đạo, còn đang tuổi trẻ mà bệnh tật đã đầy thân thì mới lại có chuyện tuyển phi tần Triều Tiên. Tháng Giêng, năm Chính Đức 16 (1521), tin hoàng đế nhà Minh đến tuyển phi lan truyền khắp Triều Tiên, quan lại Triều Tiên đều nhận định Minh Vũ Tông tuyển phi lần này khác hẳn trước đây, không phải là lễ nghĩa như xưa nữa, do vậy trai gái trong dân gian tranh nhau kết hôn để không bị bắt đi.
Lúc này quốc vương Triều Tiên là Trung Tông Lý Dịch, chính là thời kỳ mà Đê Chang Kưm đang ở trong cung. "Minh Vũ Tông thực lục" có chép: Vũ Tông sai thái giám Kim Nghĩa, Trần Hạo làm chánh và phó sứ sang sách phong cho thế tử của quốc vương Triều Tiên, nhân tiện thương nghị chuyển tuyển phi của mình. Nhưng đoàn sứ giả vừa đi thì ngày 16 tháng 3 Vũ Tông băng hà ở Báo Phòng (vườn thú ở phía tây Bắc Hải). Đoàn sứ bộ đến Liêu Đông thì nhận được tin báo tang, ngày 10/4 vừa qua sông Áp Lục thì hoàng đế mới kế vị (Gia Tĩnh) hạ lệnh đình chỉ trở về.

Đầu thời Thanh, Đa Nhĩ Cổn có một phu nhân người Hàn

Quan hệ giữa Triều Tiên và nhà Minh rất mật thiết, cả hai lại đều có thù địch với Mãn Châu tức nhà Hậu Kim và sau này là nhà Thanh. Năm Sùng Đức thứ 2 nhà Thanh (tức năm Sùng Trinh 10 nhà Minh - 1637) Hoàng Thái Cực dẫn quân đánh Triều Tiên, bắt Triều Tiên theo lịch nhà Thanh lại yêu cầu các điều kiện con tin, hôn phối … Nhưng Triều Tiên ngoài mặt thì nghe theo nhưng bên trong thường vi phạm nên chuyện giao hảo tiến triển rất chậm.
Sau khi nhà Thanh vào Trung Nguyên, năm Thuận Trị thứ 7 (1650) bà phúc tấn (phu nhân) của nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn - người nắm thực quyền nhà Thanh bấy giờ - qua đời, Đa Nhĩ Cổn bèn yêu cầu chuyện hôn nhân với quốc vương Triều Tiên. Quốc vương Triều Tiên lúc này là Hiếu Tông Lý Hạo mới có con gái 2 tuổi, quan hệ hai bên lại đang là thù địch. Mặt khác, Triều Tiên vẫn coi nhà Thanh là không chính thống, nên kết thân với nhà Thanh không phải là vinh hạnh như với nhà Minh. Do vậy phía Triều Tiên đã phải lấy một quận chúa con của một vị tôn thất, gia phong làm Nghĩa Thuận công chúa để gả cho Đa Nhĩ Cổn. Ngày 20 tháng 4 thì đoàn rước dâu lên đường về Trung Hoa. "Thanh thế tổ thực lục" có chép chuyện này như sau: "Ngày 21 tháng 5 , nhiếp chính vương dẫn các vương và đại thần thân đi đón phúc tấn mà nước Triều Tiên đưa đến ở Liên Sơn, ngay hôm ấy liền thành hôn". Cửa ải Liên Sơn thuộc Liêu Dương, Liêu Đông ngày nay, cách Bắc Kinh hơn 1000 dặm.
Đến năm Thuận Trị thứ 13 (1656), sau khi Đa Nhĩ Cổn chết, Thuận Trị mới sai người đưa công chúa trở về quê cũ.

Châu Hải Đường
(Theo tài liệu Trung Quốc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét