Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Cha ông ta “cập nhật” sử Trung Quốc thế nào?

 Trong Chuyên đề “Hiểu Việt Nam”1 , tháng 8/2023, tôi có đăng toàn bộ bản dịch tác phẩm “An Nam truyện” của Vương Thế Trinh đời Minh (Xin lưu  ý, “An Nam truyện” của Vương Thế Trinh là tác phẩm khác, không  liên quan gì với “An Nam truyện – Chi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa” do Châu Hải Đường dịch và biên soạn). “An Nam truyện” của Vương Thế Trinh gồm 2 quyển, ghi chép các sự kiện lịch sử của An Nam từ Tần Hán đến đời Gia Tĩnh nhà Minh, trong đó tập trung chính là các sự kiện từ đầu đời Minh đến sau khi Mạc Đăng Dung xin hòa. Tác phẩm tuy còn sơ sài, nhưng cũng cung cấp thêm cho  chúng ta một số chi tiết có thể bổ sung thêm cho chính sử của ta, cũng như các cuốn sách ghi chép về lịch  sử khác ….



Đọc “An Nam truyện” của Vương Thế Trinh, tôi đặc biệt lưu ý đến một chi tiết, đó là:  Tháng Giêng, năm Hồng Vũ thứ 30 (1397),nhà Minh sai Hành nhân Trần Thành, Lã Nhượng sang dụ An Nam trả đất (?), bọn Thành, Nhượng có gửi thư cho vua Trần Thuận tông rằng: ““Sứ giả bất tài, làm nhục mệnh sáng của chúa thượng, rất lâu vẫn không quyết được, chẳng biết lấy gì để phục mệnh chúa. Nay, sứ giả xin viện cổ dẫn kim, phân tích lợi hại mà nói cho các quan chấp sự biết. Thời Hậu Hán, Trưng Trắc làm phản, Mã Viện đánh diệt được, lập cột đồng để làm ranh giới trong ngoài, là một trong Ngũ quản từ đời Đường Ngu. Đến thời Tống, [An Nam] mới tự dựng lên, Càn Đức vào cướp biên cương, Quách Quỳ đến đánh dẹp, bắt được ngụy Thái tử Hồng Chân[1]. Càn Đức sợ mới cắt các đất Quảng Nguyên, Môn Châu, Tư Lãng, Tô Mậu, Quang Lang xin hàng. Nhà Nguyên mới có thiên hạ, thì tiên vương của các ngươi là Quang Bính xưng thần nộp cống trước tiên. Đến Nhật Huyên nối thì đổi tiết, vì vậy [Nguyên] Thế tổ đến đánh. Nhật Huyên phải chui rúc cỏ gai, đi thuyền trốn tránh ra hải đảo, thành quách tông miếu, xã tắc nhân dân cơ hồ không còn gì. Nhật Tốn xét những mất mát đời trước, thỉnh mệnh với nhà Nguyên, có nói rằng: “Trước nay, thiên sứ hạ cố đến tiểu quốc, việc nghênh tống chỉ dừng lại ở Lộc Châu, vì sợ mắc tội mạo phạm lấn vượt, nên không dám đi qua Khâu Ôn vậy.” Như thế thì đất từ Khâu Ôn trở về phía bắc không phải của nước ngươi, rất rõ ràng vậy. Nay, nước ngươi lại vượt Uyên, Thoát, quá Như Ngao, Khánh Viễn mà có hết những đất ấy. Phải chăng nhân khi cuối đời Nguyên loạn lạc mà thừa cơ may giành được chăng. Hôm Hành nhân mới bước xuống xe, quần thần của vương đều nói: Đất này từ xưa vốn thuộc An Nam, mà không nói bắt đầu thế nào. Chẳng phải là khoác lác mà lừa dối ta ư? Chắc hẳn là vương sợ phải tội vì việc xâm phạm đất đai nên cố tự che dấu chăng? Chúa thượng là bậc thần thánh, tất chẳng kể tội cũ của vương mà bằng lòng cho vương sửa lỗi vậy. Hãy tính cho kỹ.”

Nhà Trần bèn gửi thư lên bộ Hộ của nhà Minh, tranh biện rằng:  “Kính thấy, thượng ty vì nhận được bản tấu của phủ Tư Minh về việc [nước tôi] xâm chiếm đất đai, sai Hành nhân Trần Thành, Lã Nhượng đến hạ quốc, bắt phải trả lại. Hạ quốc trộm nghĩ, năm huyện Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh (Viễn), Uyên, Thoát từ xưa vẫn cung đốn tô thuế phu dịch cho hạ quốc, đời đời không bỏ. Mà Đồng[2] Đăng là đất của huyện Uyên, đường mà sứ thiên triều qua lại. Người Bằng Tường, phủ Tư Minh hàng năm vẫn bàn giao tiếp nhận phu kỵ với người huyện Uyên của hạ quốc ở Duy Quan, Pha La thuộc địa giới Bằng Tường. Nay người Tư Minh lại nói, hạ quốc lập trạm ở Đồng Đăng thuộc huyện ấy để xâm chiếm. Làm sao lại trái ngược như thế? Ôi! Lập trạm mà lại là có ý mưu tính lấy đất ấy ư? Đất từ xưa vẫn thuộc nước tôi, làm sao lại còn phải đợi mưu tính lấy? Ôi, sở dĩ dựng nhà cửa ấy, là vì thượng ty đã có lệnh ngăn chặn vượt qua địa giới, nên mới tạm dựng để tiện cho quan lại nghỉ đêm vậy, xong việc thì lại rút đi, chứ nào phải là để dự trù việc xâm phạm đâu? Lại nói, thời Nguyên, đại quân hai lần đánh Giao Chỉ, khi hồi quân thì dựng trại Vĩnh Bình, đặt quân trấn giữ, đòi người Giao giúp lương hưởng. Trộm xét, quân Nguyên hai lần đến đánh nhưng phần đa đều bất lợi phải quay về. Sử sách tuy tránh né mà không ghi tường tận, nhưng [chép] đến Trấn Nam vương thì nói: vương ở ải Nội Bàng, quân giặc kéo đến đông để chặn đường quân rút về. Vương bèn từ huyện Đơn Ba[3], kéo theo đường tắt Lộc Châu ra khỏi cửa quan. Như thế thì có thể biết rõ quân thế, tường tận đường về, há có chuyện hồi quân Vĩnh Bình mà dựng trại để trấn giữ cùng đòi người Giao [Chỉ] phải giúp lương hưởng ư? Lại nói, hạ quốc vượt quá cột đồng hơn hai trăm dặm, xâm chiếm năm huyện thuộc Khâu Ôn. Cột đồng tính từ khi mới dựng đến nay đã hơn một ngàn ba trăm năm mươi năm, núi khe biến thiên, ai còn có thể biện nhận được? Lại nói, bắt hỏi lão nhân là Hoàng Bá Nhan, có nói cho biết rằng như thế, như thế... Bá Nhan cũng là người Tư Minh, há chẳng cùng một mong muốn ư? Dẫu có một ngàn Bá Nhan cũng làm sao tin cho được?(…)


Xem bức thư tranh biện này, có một điểm khiến tôi phải lưu ý, đó là: các bộ sử thư của Trung  Quốc xưa, thường sau khi một triều mới lên thay triều cũ, mới cho bề tôi căn cứ vào các ghi chép, tài liệu về triều cũ (ví dụ như Thực lục … chẳng hạn) mà biên soạn một bộ  sử của triều cũ ấy. Nhà Minh sau khi giành được ngôi từ tay nhà Nguyên, mới cho bọn Tống Liêm biên soạn bộ “Nguyên sử”, và hoàn thành  vào năm Hồng Vũ thứ 3 (1370). Trong đó, Quyển 209 -  Ngoại di 2 - An Nam là những ghi chép về Việt Nam. Đọc lại truyện này quả nhiên có chép đúng như vậy:

“…Trấn Nam vương (Thoát Hoan) đến cửa ải Nội Bàng, quân giặc (tức quân nhà Trần) kéo đến rất đông, vương đánh phá được. Sai Vạn hộ Trương Quân đem ba ngàn quân tinh nhuệ đi chặn hậu, ra sức đánh, ra được khỏi ải. Quân do thám cho biết Nhật Huyên cùng Thế tử, và Hưng Đạo vương chia hơn ba mươi vạn quân, đóng giữ Nữ Nhi quan và núi Khâu Cấp, nối nhau hơn trăm dặm để chặn đường về quân Nguyên. Trấn Nam vương bèn từ huyện Đơn Kỷ chạy sang Lộc Châu, theo đường tắt mà ra, đến châu Tư Minh. Lệnh cho Ái Lỗ dẫn quân về Vân Nam, còn Áo Lỗ Xích thì đem các quân quay về bắc. 

Như vậy, với thời gian từ 1370 đến (trước) 1397, ở trình độ in ấn và thông tin khi ấy, có thể thấy nhà Trần đã “cập nhật” khá nhanh sử sách của Trung Quốc có liên quan đến chính triều đại của mình, để cũng chính từ đó tìm ra lý lẽ bảo vệ biên  giới, cương thổ của nước ta trước đối phương. Trong khi, việc tiếp xúc với những sách vở như vậy vào thời gian ấy không hề dễ dàng (đơn cử như trường hợp sứ giả Đặng Nhữ Lâm đời Trần, sang sứ nhà Nguyên năm 1301, đã bị ngăn cấm trong việc sao chép sách vở, vẽ hình cung điện … như thế nào.)

Một ý nữa được người xưa thẳng thắn nhắc đến trong đoạn thư trên, đó là câu: “… quân Nguyên hai lần đến đánh nhưng phần đa đều bất lợi phải quay về. Sử sách tuy tránh né mà không ghi tường tận,…” Có thể thấy, cha ông ta đã hiểu  rất rõ về tình trạng “tốt khoe, xấu che” ấy trong việc ghi chép sử sách của triều đình phương Bắc. Vì thế khi tiếp xúc với các ghi chép về lịch sử từ các nguồn khác nhau, đặc biệt từ các nguồn đối lập, chúng ta luôn cần có một sự tỉnh táo, và cũng không nên lấy làm lạ, khi Tống sử ghi chép rất sơ sài về cuộc kéo quân đi chinh phạt nhà Lý, hay tương tự như vậy ở các bộ sử khác …

Về sự kiện Trần Thành, Lã Nhượng sang nước ta đòi đất nói trên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không có ghi chép gì. Trong Minh sử - An Nam truyện thì lại có những ghi chép như sau (tuy không ghi chép rõ nội dung hai bức thư trao đổi giữa hai bên):

Thổ quan châu Tư Minh là Hoàng Quảng Thành tâu: “Từ khi nhà Nguyên đặt Tư Minh tổng quản phủ, quản hạt các châu huyện ở Tả Giang, phía đông đến châu Thượng Tư, phía nam đến cột đồng làm ranh giới. Nhà Nguyên đánh Giao Chỉ, chuyển cột đồng đi một trăm dặm, lập Vạn hộ phủ ở trại Vĩnh Bình, sai quân đến trấn thủ, lệnh cho người Giao Chỉ phải cung cấp lương hưởng cho quân. Cuối đời Nguyên loạn lạc, người Giao Chỉ công phá Vĩnh Bình, lại dời ngược cột đồng lên hơn hai trăm dặm, xâm đoạt đất năm huyện thuộc châu Tư Minh là Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên, Thoát. Gần đây lại báo với Nhâm thượng thư đặt trạm dịch ở đất Đỗng Đăng của Tư Minh. Thần từng dâng tấu, được ơn vua cho Dương thượng thư đến xem xét thực tình. Xin bệ hạ sắc cho An Nam đem đất năm huyện trả lại cho thần, vẫn lấy đồng trụ vạch làm địa giới.” Hoàng đế sai Hành nhân Trần Thành, Lã Nhượng sang truyền dụ, nhưng Quý Ly vẫn nhất định không nghe theo. Thành tự viết thư dụ Nhật Côn, Quý Ly lại gửi thư tranh biện, và viết thư giúp Nhật Côn đưa tới Hộ bộ (nhà Minh). Bọn Thành về phục mệnh, (…)”

Đọc thêm những ghi chép từ “Minh sử - An Nam truyện” này, các bạn sẽ lại hiểu thêm một chút về câu chuyện ấy. Rõ ràng, chân tướng của một sự kiện lịch sử có thể thấy rõ hơn qua nhiều thông tin đơn lẻ ở nhiều tài liệu khác nhau, đó chính là lý do, những người yêu lịch sử luôn tìm đọc rất nhiều tư liệu khác nhau để nhìn thấu đáo hơn về một câu chuyện lịch sử.

(Châu Hải Đường)                     



[1] Sử Trung Quốc chép nhầm, nước ta không có vị Thái tử nào là Hồng Chân cả.

[2] Đồng: Nguyên văn chép là Động (Đỗng)  洞.

[3] Đơn Ba (單巴): Nguyên sử- An Nam truyện chép là huyện Đơn Kỷ (單己).