Hoàng Tiểu Phối (1872 – 1912), còn có tên Hoàng Thế Trọng, người hương Đại Kiều, Phiên Ngung (nay là thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông), là một nhà tuyên truyền, một nhà cách mạng tư sản, đồng thời là một nhà báo cần mẫn, một tiểu thuyết gia xuất sắc.
Trong
vòng ba năm kể từ mùa xuân năm 1903, Hoàng Tiểu Phối đã tham gia công tác soạn
thuật, biên tập cho nhiều tờ báo nổi tiếng của cách mạng tư sản như “Trung Quốc
nhật báo”, “Thế giới Công ích báo”, “Quảng Đông nhật báo”, “Hữu sở vị báo”, nhiệt
tình tuyên truyền cho tư tưởng cách mạng dân chủ, chống lại những luận điểm bảo
hoàng. Ông là người phản bác quan điểm chính trị của Khang Hữu Vi với tác phẩm
“Biện Khang Hữu Vi chính kiến thư” dài ba vạn chữ, trước cả “Bác Khang Hữu Vi
luận Cách mạng thư” của Chương Thái Viêm.
Tháng
10 năm 1905, ông gia nhập Trung Quốc Đồng minh Hội. Năm 1906 ông sáng lập
“Hương Cảng thiếu niên báo”, và đảm nhiệm vai trò Tổng biên tập tờ báo này. Năm
1907, ông cùng anh trai là Hoàng Bá Diệu chủ biên tuần san “Quảng Đông bạch thoại
báo” và “Trung ngoại Tiểu thuyết lâm” ở Quảng Châu, đồng thời tham gia viết,
biên tập cho “Xã hội công báo” và “Nam Việt báo”. Năm 1911, ông lại đảm nhiệm
việc soạn thuật và tổng trị sự cho “Tân Hán nhật báo” ở Hương Cảng. Ngày 10
tháng 10 cùng năm, Vũ Xương khởi nghĩa thành công. Hoàng Tiểu Phối đã thực hiện
xuất sắc công việc của mình trên phương diện báo chí tuyên truyền, với chuyên mục:
“Chờ xem Kinh hãm, đế băng, Vũ Xương khởi nghĩa thành công” với hàng loạt bài
báo đưa tin cổ vũ lòng người. Năm 1912, do những bất đồng và mâu thuẫn trên
chính trường, ông đã bị vu cáo một số tội danh không có thực và bị Trần Quýnh
Minh, Hồ Hán Dân sát hại khi mới 40 tuổi.
(Hoàng Tiểu Phối (Thế Trọng) - Chân dung khắc gỗ) |
Bên cạnh việc làm báo, Hoàng Tiểu Phối còn là một tiểu thuyết gia xuất sắc, trong thời gian trên dưới mười năm, ông đã có hơn mười tác phẩm truyện vừa và tiểu thuyết như: “Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa” (nguyên tác: Hồng Tú Toàn diễn nghĩa); “Đại mã biển”; “Trấp tải phồn hoa mộng” (còn có tên là: Việt Đông phồn hoa mộng); “Đảng nhân bi”; “Hoạn hải thăng trầm lục” … Trong số đó, phải đặc biệt kể đến tiểu thuyết “Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa” – viết về 14 năm từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc của cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc nổ ra chỉ già nửa thế kỷ trước thời điểm tác phẩm được sáng tác.
Năm
1851, trước sự bóc lột nặng nề cũng như nền chính trị suy đồi của nhà Thanh, đặc
biệt là sự bất lực của triều đình trước sức ép quân sự cũng như kinh tế của các
nước phương tây, khiến cuộc sống của nhân dân Trung Quốc trở nên vô cùng cực khổ
và bế tắc, mâu thuẫn giai cấp ngày một thêm sâu đậm, dưới vỏ bọc tôn giáo, Hồng
Tú Toàn đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc nổi dậy tại thôn Kim
Điền, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây. Cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng thu hút được
sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân cực khổ, chỉ trong một thời gian ngắn, lực
lượng quân khởi nghĩa đã tăng lên nhanh chóng và liên tục giành thắng lợi: chiếm
lĩnh châu Vĩnh An, tiến đánh Quế Lâm, Toàn Châu, rồi tiến lên phía bắc vào Hồ
Nam, hạ Đạo Châu, Sâm Châu … Tháng 1 năm 1853, quân Thái Bình hạ Vũ Xương, tuần
phủ Hồ Bắc Thường Đại Thuần tự tận. Tháng 3 năm 1853, quân Thái Bình hạ Giang
Ninh (nay là Nam Kinh), tổng đốc Lưỡng Giang Lục Kiến Doanh trận vong. Hồng Tú
Toàn dưới sự ủng hộ của văn võ bá quan và dân chúng đã tiến vào Kim Lăng, sửa
sang lại thành trì, nha phủ, đổi làm Thiên Vương phủ, tuyên bố định đô ở Kim
Lăng, đổi tên thành Thiên Kinh, chính thức kiến lập chính quyền Thái Bình Thiên
Quốc, đối chọi lại với vương triều nhà Thanh. Hàng loạt tỉnh thành khi ấy như Hồ
Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, … đã hoàn toàn nằm trong tay của Thái Bình
Thiên Quốc. Sau khi chính thức định đô, lập quốc, Thái Bình Thiên Quốc đã có
hàng loạt thay đổi trong việc cai trị, quản lý đất nước theo hướng văn minh
hơn, tiến gần hơn đến văn minh phương tây, ví dụ như: thực hiện theo mô hình
chính trị nghị viện (sơ khai), tăng cường bình đẳng nam nữ, tổ chức khoa thi cử
cho cả nam và nữ, tăng cường đầu tư phát triển kinh tế: khai khoáng, xây dựng
đường sắt … Và đặc biệt là tăng cường ngoại giao với các nước phương Tây, đại diện
là Mỹ. Mà, như trong sách này, Hoàng Tiểu Phối đã viết, đại diện của các nước
phương Tây khi tới diện kiến với triều đình Thái Bình Thiên Quốc đã nhận xét: “Chính
trị ở Kim Lăng cũng tương tự như chính thể lập hiến của nước ngoài chúng ta.”
Vì vậy công nhận Thiên Quốc là một nước văn minh ở phương Đông.
Tuy
vậy, Thái Bình Thiên Quốc cũng đã vấp phải nhiều khó khăn và mâu thuẫn ngay
chính từ nội tại nội bộ của mình: đó là việc tranh giành quyền lực lợi ích
trong nội bộ các thành viên lãnh đạo chủ chốt của phong trào như Hồng Tú Toàn,
Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy; Sự nhu nhược thiếu quyết đoán của Hồng Tú Toàn
trong xử lý các quan hệ gia đình và công việc khi để những người thân của mình
gây hiềm nghi với các tướng lĩnh; Và nhiều bất cập khác trong đời sống kinh tế,
chính trị, xã hội của đất nước và nhân dân do căn nguyên tôn giáo của cuộc khởi
nghĩa gây nên … Chính vì vậy mà dẫu cuộc khởi nghĩa đã thu hút được hàng loạt
anh tài văn võ cùng tham gia, liên tục giành thắng lợi, thậm chí lão tướng Lâm
Phượng Tường đã tiến quân lên phía bắc đánh đến tận Thiên Tân, ngay cạnh Bắc
Kinh, ngoài ra là các cuộc Tây chinh của Thạch Đạt Khai, Đông chinh Tô Triết của
Lý Tú Thành, tiến đánh Phúc Kiến của Dương Phụ Thanh … nhưng cuối cùng Thái
Bình Thiên Quốc cũng đã bị triều đình nhà Thanh dẹp tan vào năm 1864, sau 14
năm tồn tại.
Với
quan điểm chính thống của sử gia nhà Thanh, trước sau cuộc khởi nghĩa Thái Bình
Thiên Quốc đều bị coi là phản nghịch, là “giặc để tóc”, “phỉ họ Hồng”. Cho đến
tận đầu thế kỷ 20, khi tư tưởng phương Tây ngày càng được các tầng lớp trí thức
Trung Quốc tiếp thu rộng rãi hơn, cuộc cách mạng Tư sản ở Trung Hoa ngày càng lớn
mạnh hơn, cùng với đó là tinh thần dân tộc, chủ nghĩa dân tộc ngày càng lên
cao, đặc biệt trong bối cảnh chống lại chủ nghĩa thực dân phương tây, thì các
nhà trí thức tiến bộ mới ngày càng quan tâm, đánh giá lại, nhìn nhận lại đối với
cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc. Và một trong số họ chính là Hoàng Tiểu Phối
với tác phẩm “Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa”.
Được viết theo lối chương hồi cổ điển, qua 54 hồi của tiểu thuyết “Thái Bình Thiên Quốc diễn nghĩa” Hoàng Tiểu Phối đã dẫn dắt người đọc lần lượt đi theo từng bước phát triển của phong trào Thái Bình Thiên Quốc, qua từng trận đánh oanh liệt đẫm máu, với những con số thương vong ở mỗi trận chiến khiến độc giả phải kinh tâm động phách. Cùng với đó, mỗi nhân vật với tính cách, số phận, khác nhau cũng được ông mô tả và kể lại một cách sống động và đầy màu sắc: một Hồng Tú Toàn với tinh thần dân tộc và ý chí lớn lao, một Tiền Giang, Phùng Vân Sơn đầy mưu lược trí tuệ, một Thạch Đạt Khai, Lý Tú Thành anh hùng, hào sảng, một Lâm Phượng Tường, Trần Ngọc Thành dung mãnh, thiện chiến … Vi Xương Huy thẳng thắn, nóng nảy, mà trung trinh son sắt khiến ta phải nhớ đến Trương Phi thủa trước. Dương Tú Thanh tham lam, ngạo mạn, vị kỷ thì lại lạ lạ quen quen, ngỡ đã thấy trong lịch sử mà chẳng giống một nhân vật cụ thể nào.
Là một
người sống cách chưa xa thời gian mà cuộc khởi nghĩa nổ ra, lại được gặp gỡ hỏi
han những người từng trực tiếp tham gia phong trào ấy, rõ ràng Hoàng Tiểu Phối
cho chúng ta thấy được độ tin cậy và chính xác nhất định của câu chuyện Thái
Bình Thiên Quốc. Song, là một người theo chủ nghĩa dân tộc, với mục đích khích
lệ tinh thần dân tộc ở thời điểm sáng tác tác phẩm, chúng ta có thể thấy rõ sự ủng
hộ khen ngợi của ông đối với Thái Bình Thiên Quốc và những lãnh đạo của phong
trào, cũng như sự phê bình đôi khi thái quá, đối với những nhân vật, những quan
viên triều đình đã đàn áp, dẹp yên cuộc khởi nghĩa, như: Tăng Quốc Phiên, Hồ
Lâm Dực, Bành Ngọc Lân, Tả Tông Đường … Đó chính là điểm hạn chế của tác giả
cũng như tác phẩm này. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, ta vẫn có thể thấy Hoàng Tiểu Phối
cũng rất công tâm khi dành nhiều khen ngợi cho những quan viên trung nghĩa của
nhà Thanh, những người đã gan dạ giữ thành, bảo vệ dân chúng, thà chết không
hàng. Đó cũng chính là tấm lòng quang minh lỗi lạc mà một người viết tiểu thuyết
lịch sử cần phải có, là điều mà những người cầm bút ngày nay học tập được từ
Hoàng Tiểu Phối.
Và
trên tất cả, có thể nói, vào thời điểm hơn mười năm trước khi phong trào “Ngũ Tứ”
nổ ra dẫn đến sự thay đổi trong sáng tác tiểu thuyết, thì “Thái Bình Thiên Quốc
diễn nghĩa” của Hoàng Tiểu Phối đã đạt đến một mặt bằng cao nhất của loại hình
tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi lúc bấy giờ.
Hà Nội,
những ngày tháng Tám, 2021
Châu Hải Đường