Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

CHUYỆN MA Ở LÀNG

 Có lẽ một trong những thứ chuyện vừa hấp dẫn người ta đồng thời lại vừa khiến người ta sợ hãi, đó chính là chuyện ma. Ai cũng sợ ma nhưng vẫn thích nghe chuyện ma, đặc biệt là bọn trẻ con. Mỗi khi được nghe xong một câu chuyện ma, cả lũ chúng lại ngồi dúm sát lại với nhau, mắt tròn xoe, và sẵn sàng chui ngay vào chăn nếu có thể. Thế nhưng những khi đêm xuống, mưa rơi, bên ngọn đèn dầu nhỏ như hạt đỗ, hầu như đứa trẻ nào cũng muốn được người lớn, ông bà kể chuyện ma cho nghe.

Mà ở làng quê đến lắm là ma. Những chuyện ma dường như cứ qua mỗi khoảng thời gian lại dầy thêm lên vậy. Phải chăng vì khung cảnh tĩnh lặng của những ngôi làng lẻ loi giữa bốn bề đồng ruộng mênh mông, cùng cái âm u rập rạp của những bờ tre, bụi dứa, cái cổ kính rêu phong của những ngôi miếu, mái đình, cái thần bí khó hiểu cũng những hàng câu đối đắp bằng vữa đã tróc lở ít nhiều trên những cột cổng nhà, từ đường, … đã thành nơi ẩn náu cho những “con ma” được nghe rất nhiều, mà ít khi thấy mặt ấy?

Làng tôi cũng là một ngôi làng như vậy. Cho đến khi tôi đã nhớ được chuyện rồi, thì ở làng cũng không còn nhiều di tích cổ xưa lắm. Đình thì bị Pháp phá, lấy những cái cột gỗ lim to hàng ôm mang lên phố huyện dựng bốt Nhân Mục. Chùa, văn chỉ, miếu bà làng thì sau hồi cải cách cũng bị phá sạch .. nhưng những địa danh liên quan như: Ao chùa, Ao đình, ruộng văn chỉ … vẫn còn cả. Cái hồi ức của những người từng chứng kiến khi còn di tích, cùng cái tưởng tượng mơ hồ của những người chỉ được nghe tên mà không thấy hình, càng khiến những nơi ấy trở nên thần bí hơn.

Duy có mấy cái miếu đông đống ở bốn góc làng thì vẫn còn nguyên, dẫu khói tàn hương lạnh, nhưng cái bát hương cổ bằng đất nung, cùng hàng câu đối tróc lở và những bụi cây um tùm phủ gần kín vẫn giúp những cái đông đống trở thành nỗi ám ảnh, kinh hãi của lũ trẻ mỗi khi trời đã xẩm tối mà phải đi qua đó. Thực sự khi còn bé, tôi cũng không biết miếu đông đống thờ ai, về sau lớn hơn, tôi mới biết đó là nơi thờ thần đất. Ông tôi có kể chuyện rằng, khoảng thời kháng Pháp, có ông S vốn người rất khỏe, nhà ở gần cái đông đống góc tây bắc làng, một tối đi về khuya qua miếu, thấp thoáng dưới ánh trăng, bất chợt thấy trong miếu có một người đen như bôi bùn chui vào đông đống. Cho là kẻ gian, ông S vội bám theo chui vào miếu, rồi túm ngay lấy kẻ ấy lôi ra. Kẻ kia giằng co rất mạnh, nhưng không thoát, thế là hai bên cứ vật lộn lẫn nhau. Mỗi khi ông S đè được hắn xuống, lập tức hắn lại lật ngược được ngay. Ông thầm nghĩ, cái làng nay chưa thằng nào vật được tao, thế thì hẳn là kẻ gian từ đâu đến, nên lại càng giữ chặt. Cứ thế, bao nhiêu lần vẫn không bên nào chịu thua. Bỗng đâu có tiếng gà gáy sáng gần đó, ông S ngoảnh ra nhìn hướng tiếng gà, đến khi quay lại thì đã không thấy người kia đâu nữa. Bấy giờ ông mới dựng tóc gáy sởn da gà, hốt hoảng chạy về nhà. Hôm sau thì ốm to, hàng tuần mới khỏi. Hóa ra là ông đã vật nhau với thần đất.

Làng nhiều tre, nghe nói ngày xưa, lúy tre phía bắc làng bề dày phải hàng chục mét, người ta còn đào hầm bí mật vào giữa bụi tre! Đi trên những đường làng ngõ xóm, tre hai bên đường đan nhau như đường hầm, ngày hè đi mát phải biết. Nhưng đêm xuống thì có lẽ bất cứ chỗ nào cũng có thể có hai con ma ngồi trên hai ngọn tre vít xuống chắn đường trêu người nào đi khuya một mình. Nó vít xuống đến xát đường, không cho đi qua. Định bước qua thì nó lại nâng ngọn tre lên, định chui qua thì nó lại đè ngọn tre xuống! Và, ngay giữa trưa hè thôi, cũng nghe thấy tiếng ma đưa võng kẽo kẹt trên nhưng ngọn tre!

Bên đông làng có cái ao hạ điền, rộng, và trong. Nhiều người hay ra đó bơi, nhưng ở đó có con ma trâu. Cứ đêm trăng sáng nó lại hóa thành con trâu đẫm mình, vẫy vùng giữa ao! Đi dọc con đường phía nam làng tới sát bên thôn Tràng – cách làng tôi một quãng đồng – có một cây đa, tuy đã trồng từ lâu cây cũng khá cao, nhưng rất còi cọc, lá ít cành thưa, trông vô cùng ký quái. Dưới gốc đa, người ta hay bỏ mảnh sành, mảnh sứ, chai lọ vỡ, đá gạch vụn … dần dà thành một cái đống, nên vẫn gọi là “cây đa Đống Sành”. Ở đó cũng là nơi có ma! Con ma ấy thường hay hóa ra hình một khối lửa đỏ, to như cái nồi đất, đi lừ lừ sang phía cuối làng tôi – chỗ ấy cũng có một cái đông đống - rồi lại theo đường đó đi quay về. Rất nhiều người nhìn thấy khối lửa ma ấy, nên gọi nó là “ma Đống Sành”.


Con ma nổi tiếng nhất ở làng tôi phải kể đến con ma ở giữa làng – ao nhà ông M. Làng tôi nhiều ao lắm, hầu như nhà nào cũng có ao, một là vì làng xưa ở gần cửa sông vốn đất trũng, sông nước nhiều, hai là người ta thường đào đất lập nền, đắp nhà trình tường, thành thử có một cái nhà, thì lại có một cái ao. Nhưng cái ao nhà ông M là một trong những ao to, chỗ bụi dứa ở góc ao còn có cả hang rái cá cơ mà! Hồi ấy, không có nước máy, tất cả trông chờ vào nước mưa, nước giếng. Mà nước giếng nhà tôi tuy trong nhưng nhiều chua, không ăn được, nên  những khi lâu không có mưa, mẹ tôi còn phải vào tận cầu ao nhà bà Lý – cũng bắc xuống ao ấy – để gánh nước về đánh phèn, dùng làm nước ăn. Nhưng khu giữa làng ấy, và chính ao ấy, có một con ma hay trêu lắm. Một trong những chuyện chúng tôi thường được nghe kể là chuyện về ông X. Một khuya ông X đi tháo nước ruộng về, khi qua chỗ ao nhà ông M thì thấy từ trên ngọn dừa một hình người trắng lóa nhảy thùm xuống ao. Ngỡ mình nhìn gà hóa cuốc, chứ chỉ là quả dừa rụng mà thôi, ông X cứ mặc kệ, lẳng lặng đi. Đi mấy bước thì tới ngã tư giữa làng, ông rẽ tay trái, là chỗ lại có một cái ao – ao nhà ông H - anh trai ông nội tôi. Sát cạnh ao, bên này  đường là nhà bà T, nên bà cũng bắc cầu ao xuống ao ấy. Vừa rẽ bước chân, thì ông X thấy trên cầu ao nhà bà T có một người như đang ngồi tắm. Tưởng là bà T, ông chào: “Bà T sao tắm muộn thế!” Bất chợt người kia từ từ ngoảnh mặt lại phía ông, cất tiếng cười khanh khách rồi nhảy ùm xuống ao. Ông X bấy giờ mới nghĩ là ma, cắm cổ chạy thẳng về nhà. Sau ông ốm rụng tóc đầu rồi chết!

Chỗ giữa làng ấy, còn nhiều người nói thấy ma lắm, nhưng không ai “được” thấy như ông X. Bà ngoại tôi kể, có lần đi qua, cứ thấy có bà già đi phía trước, mà hỏi không thưa, đuổi không kịp. Ông nội tôi thì nói, có bận khi sang nhà ông H - anh ông – cứ có con chó trắng chạy phía trước, mà khi ấy cả làng cấm chó, thế rồi bất chợt nó cũng biến mất không thấy đâu cả.

Nhưng có lẽ một chỗ có nhiều ma nhất là trước cổng nhà ông khóa Th. Gọi thế, chứ ông khóa Th đã mất từ lâu rồi, giờ chỉ còn con cháu ông ở đấy thôi. Xưa, ông khóa Th làm thầy đồ dạy chữ nho cho học trò trong làng, và làm cả thầy pháp chuyên nghề bắt ma. Ông khóa bắt ma cao tay lắm, người ta nói, ông đi bắt ma ở đâu cũng mang về trói vào gốc dừa trước cổng nhà, nên trước cổng nhà ông rất nhiều ma. Có người đi đến đấy còn bị ma bịt mắt, “trói” ở đó, cứ loanh quanh luẩn quẩn bên gốc dừa không về được nhà! Nhưng chuyện li kỳ nhất, là chuyện ông gả chồng cho ma. Số là, một bận trên đường đi cúng cho người ta về nhà, trời nắng nóng, ông khóa vào nghỉ chân nhờ một nhà bên đường. Anh nông dân chủ nhà bưng nước ra mời, cùng ngồi nói chuyện, ông nhân hỏi đến chuyện vợ con, anh nông dân mới nói vì mình nghèo quá nên chưa có tiền lấy vợ. Ông khóa thương tình, bèn bảo: “Thế này, tôi có đứa cháu họ xa mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng được cái chịu thương chịu khó lắm. Thấy anh tình cảnh cũng khổ, nếu anh đồng ý, hôm nào tôi sẽ dắt cháu tôi sang cho làm vợ anh.” Anh nông dân thấy vậy mừng rỡ, quỳ sụp xuống lạy, bảo: “Nếu được cụ vun vén cho như thế thì sống tết chết giỗ, chúng cháu không dám quên công ơn cụ!” Ông khóa vui vẻ gật đầu, rồi ra về. Ít lâu sau, quả nhiên ông khóa dẫn theo một cô gái sang tận nhà anh nông dân bảo đó là cháu mình, nay đưa sang cho làm vợ anh, miễn khỏi cần lễ lạt cỗ bàn gì cả. Anh nông dân vui mừng tưởng bắt được vàng. Khi cô gái đi vào buồng trong, ông khóa nói nhỏ với anh: “Con bé trông thế thôi, nhưng hay bị trúng gió! Cái vòng dâu tránh gió đeo trên cổ tay nó ấy, anh chớ có tháo ra nhé! Không thì hối không kịp đâu.” Anh nông dân nhất nhất vâng lời, ông khóa bèn ra về. Hai vợ chồng anh nông dân quả nhiên sống với nhau hòa thuận vui vẻ, người vợ ít nói, chăm chỉ, hay lam hay làm. Mấy năm thì hai người có với nhau một đứa con trai. Một hôm, người vợ chợt bảo chồng: “Đấy mình xem, tôi ăn ở với mình mấy năm nay, mà mình có thấy tôi phải gió lần nào đâu? Nhẽ chừng có con xong đàn bà “đổi máu” chăng? Cái vòng này đeo làm lụng bất tiện lắm, mình cứ cắt phăng nó ra giúp tôi …” Anh nông dân nghe vợ nói cũng có lý, bèn cầm dao chặt cái vòng ra cho vợ. Ai dè vòng vừa chặt xong, thì người vợ hiền lành của anh bỗng nhiên đứng sững lên, nhe nanh xõa tóc, cười khanh khách một tràng, rồi bảo: “Tao vốn không phải người mà là ma! Chỉ vì lão thầy pháp bắt tao đeo vòng dâu yểm bùa làm vợ mày, thành thử phải ở đây bấy nay. Tuy mày cũng không tội tình gì, nhưng đứa con là của chung, tao phải lấy một nửa mới đi được!” Nói rồi nó túm ngay lấy đứa con xé ra làm đôi quăng lại một nửa, xách theo một nửa đem đi mất! Còn anh nông dân thì kinh sợ đến chết giấc, mãi mới hồi tỉnh lại được. Lại nói, ông khóa hôm ấy ăn cơm xong, đương ngồi uống nước thì bỗng thấy “con ma” xuất hiện đi vào cửa. Giật mình, ông vừa hỏi: “Sao mày không ở nhà chồng, lại về đây làm gì?”, còn chưa dứt câu thì con ma đã xông vào cấu cổ ông. Ông khóa bị bất ngờ, không kịp bắt quyết, nên bị nó cấu cổ chết! Câu chuyện nghe đầy huyền hoặc, nhưng bọn trẻ con chẳng đứa nào không tin là thật!

Ông tôi còn kể rằng, ở rìa làng xưa, (mà bây giờ cũng đã thành ra trong làng rồi), có một cái gò nhỏ vì hình thù hẹp, dài, một đầu nhọn, nên gọi là Cái Dùi. Gò Cái Dùi mọc đầy những bụi dứa dại lớn, chẳng ai vào được bao giờ, nên thành ra một nơi người ta hay vứt những đứa bé sơ sinh chết yểu ở đấy(!). Vâng đúng thế! Tôi còn cẩn thận hỏi lại, và ông tôi nói cho biết tường tận rằng: Ngày xưa, điều kiện y tế, dinh dưỡng thiếu thốn, trẻ sơ sinh chết nhiều lắm. Mà người ta nghĩ trẻ con thì chết đi sẽ đầu thai về nhà khác, thịt xương tan thành đất, nên ít khi chú ý đến việc chôn cất hay thờ cúng trẻ nhỏ. Mỗi khi có đứa trẻ sơ sinh chết, nhà khó thì bó chiếu, nhà khá thì mua hai cái máng lợn gỗ mới, đặt đứa nhỏ vào, úp hai cái máng lợn lại, buộc lạt lại rồi đem ra Cái Dùi dúi vào bụi dứa, thế là xong(!). Thế rồi, một năm trong làng nhiều trẻ sơ sinh chết quá, có nhiều nhà con ranh, con lộn rất nhiều, nên cả làng phải họp nhau đi mời thầy phù thủy về cúng trừ cho cả làng. Sau khi đi quanh làng xem xét, ông thầy phù thủy nó: Tất cả duyện do là ở gò Cái Dùi mà ra cả. Sau khi lập đàn cúng tế, thầy phù thủy bảo cả làng gom rơm rạ tới, chất cả lên gồ Cái Dùi, rồi châm lửa đốt! Lửa cháy rừng rực, thầy phù thủy đi quanh gồ phi phù niệm chú, một hồi lâu chợt thấy từ giữa gồ có một con lợn nái lao ra, dẫn theo một đàn lợn con, cùng chạy thẳng xuống sông cái! Thầy phù thủy bảo, con lợn nái ấy chính là mẹ ranh, còn đàn lợn con là những trẻ chết yếu ở đó lâu ngày bị dẫn dắt thành con ranh con lộn trong làng. Kể từ sau đó, chuyện con ranh con lộn không còn, và làng cũng không ai đem xác trẻ sơ sinh ra chôn dúi ở đấy nữa. Ông tôi còn nói, từ sau khi đàn lợn xuống sông, có lẽ vẫn oán hận, nên từ bấy, bờ sông phía bên xã tôi bị đàn lợn giũi phá, nên cứ ngày một lở xuống, ngày xưa chạy một thôi dài mới hết bãi, mà nay sông đã ăn sát đến gần đê rồi!

Dẫu nghe như vậy, nhưng tôi chưa từng một lần thấy ma ở làng mình bao giờ cả! Những đêm trăng sáng, bọn trẻ chúng tôi còn kéo nhau đi chơi trốn tìm, chơi đuổi bắt khắp làng, chẳng bao giờ thấy có gì lạ lùng cả! Bà tôi chép miệng bảo: “Từ hồi bom đạn, ma nó sợ đi hết cả rồi!” Chả biết có đúng không? Lẽ nào ma còn sợ bom đạn hơn người?

Nhưng một điều tôi thấy rất rõ, đó là, ở làng bây giờ cây cối tre pheo đã gần như không còn mấy, và đèn điện đã sáng choang khắp đường ngang ngõ dọc, đừng nói là “ma”, mà ngay đến những câu chuyện ma “dễ thương” được kể vào những buổi tối gió mưa sùi sụt, trăng lặn sương mờ cũng hiếm có khi nào thấy nữa.

Đầu tháng Cô hồn 2019

CHĐ