Hôm
nay, một người bạn tôi - anh Nguyễn Thụy Đan nhân có mấy chữ trong một trang của
tập “Cổ Duệ Từ” của Miên Thẩm hơi mờ, nên có đưa cho tôi xem để cùng luận. Đó
là một lời đề tự trong bài từ điệu “Thanh Thanh Mạn”, trong đó có đoạn viết:
“ngẫu độc “Ngọc Điền Thảo Đường Từ” nhân họa Trịnh Phong Nhân vận” (Ngẫu nhiên
đọc tập “Ngọc Điền Thảo Đường Từ”, nhân họa vần Trịnh Phong Nhân”.
Nhân
trong lúc chuyện trò, Thụy Đan có cho rằng, vào cùng thời với Miên Thẩm nhẽ còn
nhiều người cũng viết từ khác, mà đến nay không thấy tác phẩm, cũng không nghe
nói đến. Theo cảm tính cá nhân qua những tập thi từ đã đọc, tôi có nói: “Nếu
không có một căn cứ nào đó thực sự xác đáng, mà chỉ dựa vào việc họa vần thì
chưa chắc đã là người cùng thời, và cũng chưa chắc đã là người Việt Nam. Ví
như, Tô Đông Pha, Nguyên Hiếu Vấn đều từng họa vần thơ Đào Tiềm; rồi Cao Bá Quát từng
họa vần thơ của Tô Đông Pha, … Chuyện này trong lịch sử thơ ca không hiếm.”
Tuy
nhiên, xem lại các nghiên cứu về “Cổ Duệ Từ” trước đây, tôi thấy giáo sư
Trần Nghĩa, trong bài “Thể loại từ của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam và ảnh
hưởng của nó đối với văn học bản địa” in trên tạp chí Hán Nôm số 5/2005, cũng từng viết:
“Sau nhiều năm sưu tầm góp nhặt, hiện trong tay tôi đã có được một khối lượng
tác giả tác phẩm về từ đáng khích lệ và tự chúng đã vach nên một lịch sử phát
triển về từ Việt Nam…” Và trong danh sách các tác giả từ được cho là Việt Nam,
ông cũng liệt kê tên Trịnh Phong Nhân鄭楓人, với tác phẩm “Ngọc Điền Thảo Đường từ”玉田草堂词,
và dẫn chứng từ bài từ lời tựa bài từ Thanh Thanh mạn của Miên Thẩm, đồng thời
nói thêm “Sách hiện chưa tìm thấy.”
Cũng
giáo sư Trần Nghĩa, trong Thông Báo Hán Nôm Học năm 2001, có bài viết, “Cổ Duệ
Từ của Miên Thẩm dưới dạng toàn vẹn của nó” trong phần bảng kê tên tác phẩm và
tên làn điệu tương ứng, có ghi điệu “Thanh
thanh mạn” với tiêu đề là: “Dư nhã hữu triêu
vân chi cảm ngẫu độc Ngọc Điền Thảo đường từ, nhân hoạ Trịnh Phong Nhân vận.” (余雅有朝雲之感偶讀玉填草堂詞因和鄭楓人韻). Chỗ này không có gì đáng nói, duy chữ “Điền”
trong tên từ tập “Ngọc Điền thảo đường” được viết thành “填” thay vì
Điền “田” như bài trước của giáo sư.
Từ
câu chuyện đó, tôi đã thử tìm hiểu về người có tên Trịnh Phong Nhân mà Miên Thẩm
đã nhắc đến khi họa vần bài Thanh Thanh Mạn của ông cũng như tên gọi chính xác cho từ tập.
Qua
tìm hiểu, chúng tôi đã phát hiện ra Trịnh Phong Nhân đích thực là một tác gia đời
Thanh - Trung Quốc, đồng thời biết thêm được một số chi tiết, di mặc thú vị về
ông.
Trịnh
Phong Nhân tên thật là Trịnh Vân. Trong “Trung
Quốc lịch đại nhân danh đại từ điển” do Trương Vĩ Chi, Thẩm Khởi Vĩ, Lưu Đức
Trọng chủ biên, Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã 1999, có viết:
“Trịnh Vân (鄭澐):
người Nghi Trưng, Giang Tô đời Thanh, tự
Tình Ba (晴波), hiệu
Phong Nhân (楓人). Đỗ
cử nhân năm Càn Long thứ hai mươi bảy (1762), từ chức Trung thư trải làm quan đến
Triết Giang đốc lương đạo. Giỏi thơ, Có tập “Ngọc Câu Thảo Đường thi tập”.
Sớm
hơn nữa, trong “Vãn Tình Di Thi Hối”
của Từ Thế Xương[1] đời
Dân Quốc biên soạn, quyển 90, có chép 3 bài thơ của Trịnh Vân, đồng thời cũng
có giới thiệu về tác giả:
“Trịnh Vân, tự Tình Ba, hiệu Phong Nhân, người
Nghi Trưng. Đỗ cử nhân năm Nhâm Ngọ niên hiệu Càn Long, trải làm quan đến Triết
Giang đốc lương đạo. Có tập “Ngọc Câu Thảo Đường Thi Tập”.
Như
vậy cả hai cuốn trên đều chưa thấy nói đến từ tập nào của Trịnh Vân – Trịnh
Phong Nhân cả! Đồng thời cũng không thấy nói đến cái tên “Ngọc Điền Thảo Đường”
nào cả, mà thay vào đó chỉ có “Ngọc Câu Thảo Đường”. Vậy Trịnh Phong Nhân này
có đúng là người mà Miên Thẩm đã nhắc đến chăng?
![]() |
(Một bức bút tích của Trịnh Vân - ảnh ST) |
Trong quá trình tìm hiểu, tuy nhiên không thấy “Ngọc Điền Thảo Đường từ” nhưng chúng tôi đã phát hiện ra ngoài thi tập, Trịnh Vân quả là có một tập “Ngọc Câu Thảo Đường từ”. Cụ thể, trong tác phẩm “Lai Yến tạ độc thư ký” (Ghi về việc việc đọc sách ở Lai Yến Tạ) của tác giả Hoàng Thường[2], có đoạn ông viết: “Ngọc Câu Thảo Đường từ”: 3 quyển từ của Trịnh Phong Nhân này, truyền bản ít gần như tuyệt tích. Hôm nay ngẫu nhiên tìm được trong một tiệm sách cũ, hơn nữa lại là vật cũ trong Thiên Mặc Am, cuối quyển có một dòng thủ bút của Giản Hương, rất đáng trân quý.
May
mắn hơn nữa, chúng tôi có tìm thấy trong tập “Giản Trang Văn Sao” của Trần Chiên[3]
đời Thanh, ở cuối quyển 2 có chép lại bài tựa của ông viết cho tập “Ngọc Câu Thảo
Đường từ” của Trịnh Nhân Phong. Trong đó có viết như sau:
“Tiên sinh Trịnh Phong Nhân người Nghi Trưng
nổi tiếng về từ phú, ra trấn nhiều quận, rồi đổi làm Triết Giang lương trữ đạo…
Năm ấy tôi khách cư ở đất Ngô, được giao du với cháu bên ngoại của tiên sinh là
Đới quân Trúc Hữu, mới bắt đầu đem khắc in di tập (của tiên sinh), trong đó trước
tiên khắc ba quyển ”Ngọc Câu Thảo Đường từ”, bảo tôi viết tự ở đầu quyển. Phàm,
thơ của tiên sinh lấy vẻ hoa lệ của điển tịch, để tỏ bày đến cùng những điều trầm
uất. (Tiên sinh) Từng hiệu san thơ Đỗ Phủ cho lưu hành ở đời, thì có thể biết
rõ sự tôn sùng của tiên sinh là ở đó. Song tiên sinh cũng lại thích từ. Tiểu lệnh
thì tỏ rõ điều tinh tế trong sự giản dị cổ kính, Mạn khúc thì gửi gắm ý vị tột
bực vào đạm bạc … Ngày 16 tháng 3 năm
Gia Khánh thứ 9 (1804), viết ở Trung Ngô biệt nghiệp”
![]() |
(Đỗ Công Bộ Tập - Ngọc Câu Thảo Đường tàng bản - Tập thơ Đỗ Phủ do Trịnh Vân hiệu san) |
Như
vậy có thể thấy rõ: 3 quyển “Ngọc Câu Thảo Đường từ” mà Hoàng Thường nói đến
chính là 3 quyển khắc in năm Gia Khánh thứ 9 này. Và có thể chính là cuốn từ của
Trịnh Phong Nhân mà Miên Thẩm đã đọc. Như vậy, cuốn từ ấy là “Ngọc Câu Thảo Đường
từ” 玉勾草堂词mà
qua quá trình sao chép nhiều lần có thể đã bị chép nhầm thành Ngọc Điền玉田, rồi
thành Ngọc Điền玉填.
Đồng
thời Trịnh Phong Nhân, tên thật là Trịnh Vân, tự Tình Ba, (Phong Nhân là tên hiệu)
chính là một tác gia đời Thanh chứ không phải một từ gia của Việt Nam đời Nguyễn
như nghi vấn của giáo sư Trần Nghĩa.
Ngoài
ra, trong quá trình tìm hiểu chúng tôi còn phát hiện Hoàng Nhân[4]
– người cuối Thanh, đầu Dân Quốc cũng có một bài từ điệu Thanh Thanh Mạn, nhan
đề: “Quá Vương phế cơ, An Định quân phù thố xứ, họa Trịnh Phong Nhân “Ngọc Câu
Thảo Đường từ” vận” trong đó, áp vần theo đúng như bài Thanh Thanh Mạn của Miên
Thẩm. Điều đó càng cho thấy thêm một lần nữa: Trịnh Phong Nhân, cũng như từ tập
“Ngọc Câu thảo đường từ” là tác giả tác phẩm đời Thanh – Trung Quốc.
Chỉ
tiếc rằng, bài từ gốc của Trịnh Phong Nhân có lẽ do sự “tuyệt hiếm” của tập từ
như Hoàng Thường cho biết, hiện chưa rõ thế nào. Nhưng rõ ràng từ của ông đã được
rất nhiều người đọc và yêu mến, trong đó có từ gia nổi tiếng Việt Nam – Tùng
Thiện vương Nguyễn Miên Thẩm.
13.6.2019
CHĐ
[1] Từ
Thế Xương (1855 – 1939), tự Bốc Ngũ, hiệu Cúc Nhân, … người Thiên Tân, là nhà
chính trị nổi tiếng đời cuối Thanh, đầu Dân Quốc. ông là người có vốn cổ học
thâm sâu, từng biên tập khắc in nhiều đầu sách.
[2]
Hoàng Thường là một bút danh của Dung Đỉnh Xương (1919 – 2012), người Mãn, quê
gốc Ích Đô, Sơn Đông, là nhà báo cao cấp, nhà tản văn đương đại Trung Quốc.
[3] Trần
Chiên (1753 – 1817), tự Trọng Ngư, hiệu Giản Trang, người Hiệp Thạch, Hải Ninh,
Triết Giang, là nhà tàng thư, nhà hiệu khám học nổi tiếng đời Thanh.
[4]
Hoàng Nhân (1866 – 1913), vốn tên Chấn Nguyên, tự Tiện Hàm, lại tự Mộ Hàn, Mộ
Am, biệt hiệu Giang Tả Nho Hiệp, Dã Man …, là nhà phê bình, tác gia cận đại. Ông là người bác học đa tài, có nhiều thành tựu về nghiên cứu văn học sử.