Nước
- khởi nguyên của sự sống và cũng là nguồn sống của con người. Con người không
thể sống thiếu nước, vì vậy các con sông, các vùng nước luôn là nơi tụ cư của
con người từ xưa đến nay. Và có lẽ chính vì vậy, mà cùng với đó, thuyền bè đã
xuất hiện từ rất sớm cùng với đời sống của con người. Về nguồn gốc của thuyền
bè, khắp các nước từ đông sang tây, như Trung Quốc, Ai Cập, Anh, Hy Lạp … đều
có không ít truyền thuyết. Có thể nói, truyền thuyết về Đại Vũ trị thủy làm
thuyền ở Trung Quốc, và câu chuyện về con thuyền Noah trong Kinh Thánh là hai
truyền thuyết nổi tiếng nhất, được lưu truyền rộng rãi nhất. Theo phân tích của
những nhà nghiên cứu, thì tổ tiên của tàu thuyền hiện nay chính là những con
thuyền độc mộc. Thuyền độc mộc rất có thể đã được hình thành khi người nguyên
thủy gặp những trận lũ lụt, hồng thủy, và những người không biết bơi đã nhờ bám
víu trên những cành cây, thân cây trôi nổi mà thoát chết. Vì vậy mà người ta đã
nghĩ ra cách khoét những thân cây gỗ để tạo thành những con thuyền để có thể
cân bằng ổn định trên mặt nước, và chứa được nhiều người, nhiều đồ vật hơn.
Theo những chứng cứ khảo cổ học, thì từ bảy ngàn năm trước đã có những con thuyền
độc mộc ở Trung Quốc.
Sau
khi thuyền độc mộc ra đời, do nhu cầu trong sản xuất và đời sống của nhân loại,
người ta dần học được cách ghép nhiều cây gỗ lại thành bè, rồi đóng nhiều tấm gỗ
lại thành những con thuyền lớn hơn. Sau khi nhân loại bước vào xã hội có giai cấp,
thì cùng với đó đã xuất hiện những cuộc chiến tranh được lan rộng dần từ trên cạn
xuống đến trên sông, hồ, hay biển. Những cuộc chiến tranh nổ ra trên mặt nước
không thể vắng mặt thuyền bè, những con thuyền dùng trong chiến tranh ấy ban đầu
chỉ là những con thuyền bình thường, nhưng nó đã nhanh chóng được phân hóa,
không ngừng phát triển và hình thành nên những chiến thuyền trong thời cổ đại.
Trung
Quốc và các nước khu vực Địa Trung Hải là những nơi phát nguyên của chiến thuyền
cổ đại. Thế kỷ 16 – 11 trước Công nguyên, dưới thời nhà Thương ở Trung Quốc
thuyền bè đã được sử dụng vào việc vận tải cho quân đội. Năm 1027 TCN, Chu Vũ Vương - Cơ Phát đã đem
ba trăm cỗ binh xa, ba ngàn quân cận vệ, bốn vạn rưỡi quân giáp sĩ, cùng liên hợp
với quân đội của một số bộ lạc khác, tiến binh đánh vua Trụ. Quân đội tham chiến
được chở trên bốn mươi bảy chiếc thuyền lớn, vượt qua sông Hoàng Hà ở bến Mạnh
Tân, tiến thẳng đến đô thành Triều Ca (nay là huyện Kỳ, Hà Nam) tiêu diệt nhà
Thương. Trận chiến vượt sông Hoàng Hà này đã được tổ chức nghiêm ngặt, với quy
mô rất lớn, có người chỉ huy chuyên trách trên các tàu thuyền. Tuy nhiên, những
con thuyền ấy chỉ là được tập hợp khi có nhu cầu nhất thời, chứ chưa được
chuyên dùng vào việc thủy chiến, vì vậy chưa được coi là chiến thuyền và thủy
quân thực sự.
Những
chiến thuyền dùng buồm và mái chèo sớm nhất là loại thuyền một tầng chèo, xuất
hiện ở Ai Cập, Phoenicia và Hy Lạp khoảng hơn 1.200 năm trước Công nguyên. Đến
năm 800 TCN, thì những chiến thuyền một tầng chèo bắt đầu được lắp thêm vào đầu
thuyền các mũi nhọn được đúc bằng đồng để tăng cường uy lực khi đâm va trong
các cuộc chiến trên biển. Đến năm 700 TCN thì ở các nước Phoenicia và Hy Lạp đã
đóng được những chiến thuyền hai tầng chèo. Năm 550 TCN, Hy Lạp lần đầu tiên
đóng được những chiến thuyền ba tầng
chèo: thuyền dài 40 đến 50 mét, lượng rẽ nước khoảng 200 tấn, có 170 mái chèo,
vận tốc khi chèo bằng mái chèo có thể được 6 hải lý một giờ, khi thuận gió có
thể dùng buồm. Vũ khí trên thuyền chủ yếu có mũi nhọn đầu thuyền để đâm va, và
khoảng từ mười tám tới năm mươi chiến binh chiến đấu khi thuyền tiếp mạn. Các
chiến binh được trang bị giáo, gươm, cung tên, thương và lá chắn. Số tay chèo
không vũ trang là 170 người. Từ sau đó, chiến thuyền ba tầng chèo trở thành lực
lượng chủ lực của các hạm đội hải quân ở các nước ven Địa Trung Hải, kéo dài
liên tục suốt mười mấy thế kỷ.

(Chiến thuyền Hy Lạp cổ đại)
Đến
giữa thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, vào thời Xuân Thu ở Trung Quốc, để thích ứng
với địa hình sông ngòi chằng chịt, các nước Ngô, Việt, Sở ở phương nam và nước
Tề là nước ven biển ở phương bắc đều trước sau xây dựng chiến thuyền và cho
quân đội luyện tập thủy chiến. Đến khi ấy, có thể nói là lực lượng thủy quân cổ
đại Trung Quốc chính thức ra đời. Khi ấy thủy quân nước Ngô còn được gọi là
“chu sư” đã có các loại thuyền như: Đại dực, Trung dực, Tiểu dực, Đột mạo, Lâu
thuyền, Kiều thuyền … đồng thời xuất hiện một loại vũ khí chuyên dùng cho thủy
quân gọi là “Câu cự” (Câu liêm). Năm 206 – 25 TCN, tức thời Tây Hán, thuyền chiến
của Trung Quốc lại tiến thêm một bước, mà tính năng của nó đã dần từng bước đuổi
kịp và vượt qua các nước Địa Trung Hải khi ấy, và duy trì cho tới tận giữa thế
kỷ 15. Chiến thuyền của Trung Quốc khi ấy có thể nói là những chiếc thuyền lớn
nhất, kiên cố nhất và thích ứng với việc đi biển nhất. Năm 220 – 265 sau CN, tức
là thời kỳ Tam quốc ở Trung Quốc, đội thủy quân nước Ngô từng có tới 5.000 chiến
thuyền, trong đó những lâu thuyền lớn, có tới năm tầng lầu, có thể chở được
3.000 quân sĩ. Đầu thế kỷ 3 sau công nguyên, dưới thời Tây Tấn, khi chuẩn bị
cho việc đánh nước Ngô, Vương Tuấn đã cho đóng những chiến hạm liên thuyền, dài
tới 120 bộ, trên có lầu, buồm, mở bốn cửa, có thể đi ngựa dong xe trên đó được.
Năm 588 – 589 SCN, nhà Tùy diệt nước Trần, Dương Tố đã dùng đến chiến hạm lớn
nhất khi ấy, có tên là “Ngũ Nha”, trên có lầu năm tầng, có thể chở được 800
quân, trước sau và hai bên có lắp đặt 6 “Phách can”. “Phách can” là một cây gỗ
dài đầu có buộc đá nặng, lợi dụng lực đòn bẩy để có thể đập vỡ tàu địch khi tiếp
cận, là một thứ vũ khí rất có uy lực bấy giờ.

(Mô hình tàu Ngũ Nha)
Đến đời Đường, năm 618 đến 907
SCN, kỹ thuật đóng tàu đã phát triển thêm một bước, người ta đã đóng được những
tàu “Hải Cốt” có thể vận hành và chiến đấu được trong điều kiện sóng gió khá lớn.
Lý Cao phát minh ra “xa thuyền” (cũng gọi là “xa luân thuyền” hay “luân tương thuyền”)
di chuyển nhanh hơn, thuận tiện hơn, có thể coi là một bước đi trước của tàu bánh
xe cơ giới sau này. Năm 960 - 1279 SCN, dưới thời Tống, chiến thuyền Trung Quốc
đã sử dụng phổ biến kỹ thuật vách ngăn không để nước thấm ở khoang đáy, để tàu
giảm bớt khả năng bị đắm. Năm 1000, đội trưởng đội thủy sư Thần Vệ là Đường
Phúc từng dâng lên triều đình các loại vũ khí để phóng hỏa như: hỏa tiễn (tên lửa),
hỏa cầu (quả cầu lửa), hỏa tật lê (một loại trái pháo, có vỏ gai sắt) … Năm
1130, quân khởi nghĩa của Dương Yêu đã sử dụng một lượng lớn xa thuyền, trong
đó cái lớn nhất dài gần 110 mét, trang bị 24 bánh xe, và sáu cỗ “phách can”, chở
được hơn một ngàn quân. Năm 1203, Tần Thế Phụ đã đóng chiến thuyền Hải Cốt mặt
phẳng, vỏ sắt, tải trọng ước 60 tấn, vách khoang được lắp bằng thép tấm, có thể
nói là tổ tiên của thuyền bọc thép. Đầu mũi thuyền có lắp mũi nhọn bằng sắt như
lưỡi cày, để đâm chìm tàu đối phương.
Chiến
thuyền cổ đại được phát triển qua hai giai đoạn: thuyền chiến dùng chèo
(Galley) và thuyền chiến dùng buồm . Tàu chiến dùng chèo được làm chỉ yếu bằng
gỗ, dáng thuyền nhỏ dài, chiếm nước nông, mạn thuyền thấp, chủ yếu do sức người
chèo thuyền là chính, khi thuận gió cũng có thể căng thêm buồm, nhưng chỉ là hỗ
trợ. Thuyền chiến dùng chèo chủ yếu được trang bị các vũ khí lạnh, khi tác chiến
chủ yếu dùng cách đâm va hoặc áp mạn giao chiến, dùng chủ yếu ở trên sông, hồ nội
địa hoặc sát ven biển. Chiến thuyền cổ đại cho đến tận giai đoạn hậu kỳ mới bắt
đầu lắp đặt các hỏa khí có thể thiêu đốt khác.
Thế
kỷ 14, loại hỏa khí hình ống bằng kim loại sớm nhất trên thế giới được ra đời ở
Trung Quốc – đó là hỏa súng. Mà cha đẻ của nó, chính là Hồ Nguyên Trừng – người
Việt Nam, được nhà Minh bắt đưa từ Việt Nam sang, sau khi đánh được nhà Hồ và
xâm chiếm nước ta. Sau này Hồ Nguyên Trừng được coi là ông tổ súng thần công
Trung Quốc, các đời vua sau đó mỗi khi tế súng Thần công đều kiêm tế Hồ Nguyên
Trừng. Theo khảo chứng của các nhà sử học, năm thứ 10 niên hiệu Hồng Vũ nhà
Minh (1377), chiến thuyền nhà Minh đã được trang bị rộng rãi hỏa súng, từ đó bắt
đầu đưa những vũ khí trên chiến thuyền từ vũ khí lạnh, hỏa khí đốt lửa, gây nổ,
quá độ sang hỏa pháo.
(Lâu thuyền đời Hán)
Chiến
thuyền trên thế giới từ thuyền chiến dùng chèo quá độ sang thuyền chiến dùng buồm,
đã phải kéo dài liên tục suốt mấy thế kỷ. Chiến thuyền dùng buồm, thân thuyền
cũng làm bằng gỗ, nhưng độ dãn nước sâu hơn, mạn thuyền cao, đầu đuôi thuyền
vươn lên, trên có dựng nhiều cột buồm, lấy sức gió làm động lực chủ yếu, đồng
thời vẫn bố trí hệ thống mái chèo. So với chiến thuyền dùng chèo, chiến thuyền
dùng buồm có độ dãn nước, tính năng hàng hải, khả năng tác chiến ngoài khơi xa
đều vượt xa rất nhiều. Vũ khí chủ yếu là súng thần công, phương pháp tác chiến
là chiến thuyền hai bên đứng cách nhau từ vài chục tới hơn một ngàn mét rồi tiến
hành pháo chiến, đồng thời vẫn có áp mạn giao chiến ở mức độ nhất định. Trịnh
Hòa – nhà hàng hải đời Minh ở Trung Quốc từng dẫn đội thuyền lớn, bảy lần đến Đại
Tây dương. Trịnh Hòa đi trên con thuyền lớn nhất có tên là “Bảo thuyền”, dài ước
137 mét, rộng ước 56 mét, có 9 cột, mười hai buồm, lắp đặt nhiều cửa châu mai hỏa
súng, là con thuyền đi biển lớn nhất trên thế giới khi ấy.
Một số mô hình thuyền chiến trong sách Võ Kinh:
Đấu Hạm
Mông Xung
Tẩu Kha
Các
nước Bắc Âu, đến đầu thế kỷ 15 bắt đầu xuất hiện những chiến thuyền dùng buồm
có trang bị hỏa pháo. Năm 1485, nước Anh đóng được một chiến thuyền bốn cột buồm
có tên là “Thống Đốc” (Governor), lắp đặt 225 cửa hỏa pháo loại nhỏ. Năm 1520,
Anh lại đóng một chiến thuyền dùng buồm lớn, có tên là Great Harry, với lượng
dãn nước đạt 1.000 tấn, lắp đặt 21 cửa châu mai với pháo từ 60 đến 203 ly. Năm
1561 tướng nhà Minh – Trung Quốc là Thích Kế Quang để đánh nhau với người Nhật
đã đóng một chiến thuyền lớn có tên là “Phúc thuyền”, trên đó có bố trí một cửa
pháo đại phát cống, ba cửa súng, sáu cửa pháo nạp hậu, mười cây súng hỏa mai.
Năm 1637, người Anh lại đóng chiến thuyền dùng buồm, có lượng rẽ nước 1.700 tấn,
có tên là “Kẻ thống trị biển cả”, với 100 cửa hỏa pháo. Năm 1797, nước Mỹ cũng
đóng được tàu chiến dùng buồm có tên “Hiến Pháp” với lượng rẽ nước 1.576 tấn với
44 cửa hỏa pháo.
(Tàu Great Harry - Anh)
Đến
thế kỷ 19, cùng với việc chiến tranh trên biển của các nước ở châu Âu càng ngày
càng kịch liệt, thuyền chiến dùng buồm đã được phát triển thêm một bước. Chiến
thuyền dùng buồm lớn nhất đã đạt tới 6.000 tấn với hơn một trăm cửa hỏa pháo cỡ
lớn và cỡ trung. Khi ấy, có nước đã căn cứ vào lượng rẽ nước lớn nhỏ và số hỏa
pháo nhiều ít chia chiến thuyền ra làm sáu bậc. Từ bậc một đến bậc ba, gọi là
chiến liệt hạm (Tàu chiến tuyến – Ship of the line): là chiến thuyền có lượng rẽ
nước từ 1.000 tấn trở lên, với 70 tới 120 cửa hỏa pháo bố trí trên hai hay ba tầng
sàn. Bậc 4, 5 gọi là Tuần dương hạm, lượng rẽ nước từ 500 tới 750 tấn, với 40 tới
64 cửa hỏa pháo trên hai tầng sàn. Bậc 6 được gọi là Tuần dương hạm nhẹ, lượng
rẽ nước khoảng 300 tấn, với 6 tới 30 cửa hỏa pháo trên một tầng sàn.
Cùng
với sự phát triển nhanh chóng của chiến thuyền dùng buồm, từ đầu thế kỷ 19, động
cơ hơi nước bắt đầu được dùng làm động cơ cho các chiến thuyền. Năm 1815, nước
Mỹ đã đóng được chiếc tàu bánh xe hơi nước đầu tiên, có tên gọi là Demologos
(sau đổi gọi là Fulton), với lượng rẽ nước đạt 2.745 tấn, vận tốc 6 hải lý/giờ,
bố trí 32 cửa pháo 14.5 cân. Những tàu hơi nước thời kỳ đầu đều phát triển từ
tàu bánh xe, nhưng tàu bánh xe sử dụng trong hải chiến bị hạn chế rất nhiều: Một
là, bánh xe lớn và một phần máy móc bị lộ rõ trước hỏa lực của quân địch, do vậy
khi chiến đấu rất dễ bị hỏa pháo phá hủy; Hai là, bánh xe bố trí ở hai bên mạn
thuyền, chiếm cứ mất phần lớn không gian quý báu đáng ra dùng để bố trí hỏa
pháo.
(Tàu Demologos - Fulton, Mỹ)
Năm
1929, Joseph Lyel người Áo đã phát minh ra cánh quạt chân vịt có thể dùng cho
tàu thuyền, và được kỹ sư người Thụy Sĩ là John Eriksson cải tiến, từ đó khắc
phục được những khuyết điểm của bánh xe hơi nước, khiến hệ thống máy hơi nước
có thể lắp đặt ở dưới khoang thuyền. Sau khi chân vịt đẩy ra đời, máy hơi nước
dần dần trở thành động cơ chủ yếu trong tàu chiến, từ đó khiến tàu chiến có được
hàng loạt những cải tiến thay đổi mới. Vì tàu chiến hơi nước đã cải biến được sự
phụ thuộc vào hướng gió, tốc độ gió và dòng hải lưu, do vậy thời đại của chiến
thuyền dùng buồm chính thức cáo chung. Cùng với đó là hỏa pháo trên tàu cũng được
phát triển nhanh chóng. Một là, đường kính nòng pháo không ngừng được lớn lên;
Hai là, phát minh ra đạn pháo với uy lực lớn; Ba là, xuất hiện pháo với nòng có
rãnh xoắn, khiến độ chính xác của đạn pháo khi bắn ra có độ chính xác cao hơn.
Tính năng ưu việt của hỏa pháo khiến mạn thuyền bằng gỗ dễ bị phá hủy, vì vậy
các tàu chiến lớn bắt đầu phải có biện pháp bảo vệ cho mạn tàu và sàn tàu để chống
lại sự công phá của tàu địch. Tàu chiến bọc thép ra đời từ yêu cầu đó.
Năm
1859, nước Pháp đã đóng được tàu bọc thép “Quang Vinh”. Tàu có lượng rẽ nước
5.617 tấn, với 36 cửa hạm pháo, bọc thép bảo vệ dày 11cm, phía trong là gỗ cứng.
Năm 1860, tàu bọc thép mang tên “Dũng Sĩ” của Anh cũng được hạ thủy, tàu này có
lượng rẽ nước khi chở đầy là 9.210 tấn, vận tốc 14 hải lý/giờ, khi dùng cả máy
và buồm có thể đặt được tốc độ 17 hải lý/giờ. Trên tàu trang bị 40 cửa pháo,
trong đó có 10 cửa pháo bắn đạn 50 kg, nòng có rãnh xoắn; 26 cửa pháo bắn đạn
31 kg, nòng trơn; 4 cửa pháo bắn đạn 18kg, nòng có rãnh xoắn. Trên tàu có 4 máy
hơi nước 920 kW. Tàu “Dũng Sĩ” hạ thủy đã kết thúc thời kì dài của tàu chiến
tuyến vỏ gỗ.
Sau
khi tàu chiến bọc thép được sử dụng rộng rãi trong hải chiến, đã rất nhanh
chóng cho thấy uy lực và đặc tính vượt trội so với các tàu chiến trước đây.
Trong chiến tranh Nam – Bắc ở Mỹ năm 1862, quân miền nam đã chuyên tâm cải tạo
tàu chiến mang tên “Merrimack”. Tàu chiến này vốn bỏ hết các bộ phận phía trên
mớn nước, với các bệ pháo thấp phẳng ở giữa tàu, bốn bên có vách gỗ dày hơn nửa
mét, phía ngoài cùng là vỏ thép dày. Trong một lần hải chiến, tàu Merrimack đã
bị hai tàu chiến của quân miền bắc và các pháo đài ven bờ biển điên cuồng bắn
phá, nhưng điều khiến người ta kinh ngạc là đại bộ phận đạn pháo đã bị bật ngược
lại, còn tàu Merrimack không hề bị tổn hại gì đáng kể, vẫn tiến về phía trước với
tốc độ nhanh. Đến lượt tàu Merrimack đáp trả, nó mới bắn vài phát đạn thì các
thuyền vỏ gỗ của quân miền bắc đã bốc cháy rừng rực. Trong khi quân miền bắc
đang không thể chống đỡ nổi, thì một con tàu khác được quân miền bắc chú tâm
thiết kế, mang tên là tàu Monitor đã kịp thời tới ứng cứu. Con tàu chiến bọc
thép kiểu mới ấy chỉ để lộ thân tàu lên trên mặt nước có nửa mét, mạn thuyền từ
vạch mớn nước trở lên được bọc 5 lớp thép dày 2,5 mm, trên sàn tàu cũng có lớp
vỏ thép. Mặc dù tàu Monitor nhỏ hơn tàu Merrimack nhiều, nhưng nhờ có vỏ thép
dày và tính linh hoạt của mình, có thể tiến đánh bốn phía, chiến đấu ngoan cường,
nên đã thay đổi nhanh chóng cục diện bị động của quân miền bắc. Trận đánh điển
hình của các tàu bọc thép này, đã cho thấy tàu chiến bọc thép có khả năng phòng
đạn tốt, và khả năng tác chiến khá mạnh.

(Tàu Monitor - Mỹ)
Cùng
với sự xuất hiện của tàu bọc thép, thì pháo nòng rãnh xoắn với đạn nổ cũng được
dùng trên các tàu chiến của các cường quốc trên biển. Để chống lại với sức công
phá mạnh mẽ của đạn pháo nổ, vỏ bọc théo của các tàu chiến càng ngày càng dày.
Cuối cùng, sắt thép đã dần dần trở thành vật liệu chủ yếu để đóng tàu, khiến
cho tàu chiến trở nên kiên cố chắc chắn hơn, lượng rẽ nước cũng tăng lên đến
hơn vạn tấn.
Cùng
với đó, các loại vũ khí chuyên dùng trong hải chiến như thủy lôi, ngư lôi cũng
nối nhau được phát minh và sử dụng trên các tàu chiến. Năm 1877, nước Anh đã
nghiên cứu chế tạo ra tàu ngư lôi đầu tiên. Năm 1892, Nga chế tạo ra tàu thả
mìn. Rất nhanh chóng, hải quân các nước đều học làm theo, cũng làm ra tàu ngư
lôi và tàu thả mìn của nước mình. Thủy lôi và ngư lôi đã tăng cường sức chiến đấu
cho hải quân. Hải quân các nước, để đối phó với ngư lôi, thủy lôi, bắt đầu lắp
đặt các hệ thống phòng lôi dưới nước cho các tàu chiến lớn. Năm 1893, Anh đã
đóng ra ngư lôi pháo hạm chuyên để đối phó với các tàu ngư lôi. Ngư lôi pháo hạm
ấy sau này đã dần dần diễn biến thành khu trục hạm hiện nay.
Thời
gian này, ở Trung Quốc, chính quyền nhà Thanh vào những năm 60 của thế kỷ 19 cũng
bắt đầu đặt mua và mở xưởng đóng những tàu chiến của mình. Năm 1889 nhà Thanh
đóng được tuần dương hạm “Bình Viễn” với lượng rẽ nước 2.100 tấn, tốc độ 14 hải
lý/giờ, với 12 cửa hạm pháo. Năm 1902, đóng ngư lôi khoái thuyền (tức khu trục
hạm) “Kiến Uy”, lượng rẽ nước 850 tấn, tốc độ 23 hải lý/giờ, với 9 cửa hạm pháo
và một số súng bắn ngư lôi.
Nước
ta, là một nước ven biển với nhiều sông ngòi, lại liên tục có nạn ngoại xâm, việc
sử dụng thuyền bè trong chiến tranh đã có lịch sử từ lâu đời. Trên các họa tiết
trống đồng đã có xuất hiện hình thuyền bè với chiến binh. Nhiều trận thủy chiến
nổi tiếng đến nay còn được ghi chép trong sử sách. Trong tác phẩm “Binh Thư Yếu
Lược” của Trần Hưng Đạo, chương “Thủy chiến” đã biên chép về nhiều loại tàu chiến
lớn nhỏ, từ xưa đã được dùng ở nước ta như: Thuyền máy thần phi; Thuyền mẹ con;
Thuyền liên hoàn … đồng thời tham cứu các loại thuyền trong “Võ bị chế thắng
chí” của Trung Quốc. Trong đó thuyền máy thần phi đã có dùng bánh xe bên mạn
thuyền như các tàu bánh xe sau này ở phương tây.
Trong
sánh “Hiểu biết về Việt Nam” của hai Ủy viên trường Viễn đông Bác cổ: Pierre
Huard và Maurice Durand, có những ghi chép về chiến thuyền của Việt Nam như
sau: “Việt Nam có đội chiến thuyền rất quan trọng từ thế kỷ 18 đến nửa đầu thế
kỷ 19. Nhà Nguyễn vào năm 1674 có 133 thuyền chiến. Năm 1675, người Anh là
Thomas Browyear đã rất ca ngợi những thuyền chiến Nam kỳ. Một thế kỷ sau, đội hải
quân của Gia Long gồm: 200 tàu mang 16,18,20,22 đại bác; 500 tàu chiến nhỏ có
40 đến 44 tay chèo, vũ trang bằng súng bắn đá và một đại bác; 200 thuyền chiến
lớn với 50 đến 70 tay chèo, vũ trang bằng các đại bác và súng bắn đá; 3 tàu thủy
châu Âu đặt tên là: Phượng Hoàng (Phượng), Rồng Bay (Long Phi), Chim Ưng (Ưng).”
Hiện
nay, trong tình hình mới của kỹ thuật quân sự cũng như kỹ thuật đóng tàu các loại
hình tàu chiến hiện đại đã ngày càng phong phú, đa dạng với những chiến hạm lớn,
có sức chiến đấu vô cùng mạnh mẽ. Là một quốc gia biển, để khai thác nguồn lợi
hải dương cũng như bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của dân tộc, đang đặt ra
một yêu cầu và cũng là niềm hy vọng lớn với nền công nghiệp đóng tàu nước ta.
Đường Lang (T.H)
- Bài trên T.C Công nghiệp Tàu thủy - số 1+2, Xuân Đinh Dậu, 2017